Corona là dòng virus gây ra cảm lạnh thông thường, tới các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn, giống như triệu chứng gây ra do MERS-CoV (virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông) và SARS-CoV (virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp). 2019-nCoV là chủng virus mới và chưa được phát hiện trên con người trước đó.
nCoV không lây trong thời tiết nắng nóng?
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus Corona mới (nCoV) gây dịch viêm phổi cấp được cho xuất phát từ động vật hoang dã, lây sang người, sau đó lây từ người sang người. Họ Corona có ít nhất 6 loại virus đã được biết đến, trong đó có SARS- CoV năm 2003 và MERS-CoV năm 2016.
Virus Corona mới có đặc điểm giống với virus gây bệnh SARS đến gần 90%. Tuy nhiên, triệu chứng, tỉ lệ tử vong của nCoV đều thấp hơn SARS, tỉ lệ tử vong của nCoV từ 2 - 3%, trong khi ở SARS là 10 - 16%.
Virus nCoV lây truyền giữa người với người qua đường hô hấp thông qua việc hít phải các giọt bắn khi hắt hơi, ho. Ngoài ra, virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt của họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Đáng lưu ý, virus có thể lây từ người sang người, ngay cả khi người đó không có triệu chứng, trong khi trước đây, người nhiễm SARS thường có các biểu hiện sổ mũi, đau họng, hắt hơi.. Dù được phát hiện từ cuối tháng 12/2019 song đến nay, còn nhiều đặc điểm về loại virus mới này chưa được làm rõ như mức độ lây từ người sang người, thời điểm người bệnh có thể lây cho người khác, thời gian ủ bệnh, điều kiện phát triển hoặc bị tiêu diệt…
Tương tự như SARS, nhiều người cho rằng virus nCoV thích lạnh, nên khi trời nắng ấm, nhiệt độ môi trường cao, virus sẽ bị tiêu diệt. PGS Phu cho biết, đối với vấn đề nhiệt độ cần có thêm nghiên cứu. Những nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, virus Corona Vũ Hán phát triển tốt hơn ở nhiệt độ thấp, tuy nhiên, không phải miền Nam nóng hơn thì không có nguy cơ cao mắc bệnh. “Việc lây lan dựa trên sự tiếp xúc giữa người với người chủ yếu trong nhà nơi nhiệt độ không cao và thoáng khí”, PGS Phu giải thích.
Ông cho biết, hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) cũng là một loại virus cùng họ với nCoV, nhưng nó vẫn phát triển mạnh mẽ ở khu vực nắng nóng như ở Trung Đông. Điều này cho thấy không thể kết luận virus Corona mới không có nguy cơ lây lan ở miền Nam Việt Nam hay bị tiêu diệt khi trời ấm lên. Nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các miền của đất nước là như nhau. Bằng chứng, tại Nha Trang đã ghi nhận 1 trường hợp là lễ tân khách sạn dương tính với virus nCoV sau khi tiếp xúc gần với 2 hành khách Trung Quốc nhiễm bệnh.
Do đó, người dân không nên chủ quan, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc thường xuyên, hạn chế đến nơi đông người, khi đến những nơi công cộng cần đeo khẩu trang. Trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, từng đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người bị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, cách ly và điều trị.
2019-nCoV được đánh giá là nguy hiểm hơn virus gây ra SARS và MERS do tính lây lan mạnh. Virus lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc. Thời gian tiếp xúc khoảng 15 phút với khoảng cách <2m có nguy cơ cao lây bệnh. Thời gian ủ bệnh của virus Corona mới là trung bình từ 5 - 7 ngày và có thể kéo dài tới 14 ngày. Ngoài ra virus này còn có thể lây nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh, khi người mang mầm bệnh chưa có triệu chứng gì vẫn có thể truyền bệnh. Số ca mắc mới và tử vong tăng nhanh mỗi ngày cho thấy mức độ lây lan nguy hiểm của loại virus này.
2019-nCoV gây ra các triệu chứng nặng và nhẹ khác nhau tùy thuộc vào mỗi cá thể nhiễm bệnh. Tỷ lệ tử vong rơi vào phần lớn người già và người có sức đề kháng kém, đã có các bệnh mãn tính trước đó. Người trẻ tuổi và người có sức đề kháng tốt thì thời gian mắc ngắn hơn và các triệu chứng ít nguy kịch hơn. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng bản thân bằng nhiều biện pháp khác nhau hiện tại là một giải pháp hợp lý.
Chủ động cho học sinh nghỉ học theo tình hình thực tế
Trước tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc các trường cho học sinh nghỉ học là rất cần thiết. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc nghỉ học 1 tuần tạm thời chưa ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học cho cả năm, do trong kế hoạch luôn có 2 tuần dự phòng cho toàn bộ các trường.
Tuy nhiên, trong trường hợp thời gian nghỉ học phải kéo dài hơn ở một số nơi, Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch học bù; tổ chức học tăng cường 2 buổi/ngày để kịp đảm bảo nội dung chương trình dạy học.
Trước đó, ngày 2/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế trả lời đề nghị của Bộ GD&ĐT xin ý kiến cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học phòng chống dịch bệnh do virus Corona. Văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương về việc cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, tiểu học, THCS và THPT tạm nghỉ học. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ở khối đại học, hiện có 70 trường đại học đã điều chỉnh lịch học lùi lại đến 10/2; có trường đến 17/2. Một số trường y đổi sang lịch học lâm sàng tại bệnh viện. Bộ GDĐT cũng đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng 078.678.3535 để tiếp nhận mọi thông tin liên quan, đồng thời yêu cầu các địa phương, các trường báo cáo hàng ngày về tình hình phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các trường học phải tiến hành sát trùng, khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh trước khi học sinh quay trở lại đi học. Nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu giáo viên, nhà trường phải nắm được số giáo viên, học sinh đi và đến từ các vùng có dịch như Trung Quốc, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa để theo dõi và cách ly trong trường hợp cần thiết.