Xã Nghĩa Bình là vùng trồng cây tre mét lớn nhất của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) với diện tích hơn 200ha. Nhờ thu hoạch măng non và bán cây, mỗi ha mét cho thu nhập trung bình từ 20-50 triệu đồng/năm, giúp bà con địa phương xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, nạn châu chấu bùng phát mạnh tại xã Nghĩa Bình đã khiến 2/3 diện tích trồng mét bị thiệt hại, trong đó khoảng 40ha bị thiệt hại nặng.
Đáng lo ngại hơn, châu chấu đang ở giai đoạn ấu trùng, có nhiều lứa khác nhau, khả năng phá hại đang rất mạnh. Nguy cơ loài côn trùng này xâm lấn ra diện rộng và có thể tàn phá các loại cây trồng khác rất cao.
Bất lực nhìn đàn châu chấu ăn trụi 3ha mét của gia đình, ông Lục Văn Thể (trú xóm 7, xã Nghĩa Bình) cho biết, vào thời điểm này năm ngoái rừng mét của ông đang vào vụ thu hoạch măng củ. Mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch được khoảng 60-70kg măng, sau khi bán và trừ đi chi phí cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
Nhờ số tiền này mà gia đình ông có thể trang trải cuộc sống cũng như chu cấp cho các con ăn học. Tuy nhiên, vì năm nay nạn châu chấu tàn phá nên khoản thu từ cây măng của ông Thể bị mất trắng.
“Hầu như năm nào cũng có châu chấu đến ăn cây mét, nhưng năm nay số lượng đàn lớn, tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều. Châu chấu ăn mọi thứ, từ lá, cành đến búp măng sắp thu hoạch. Đáng sợ hơn là nếu cây măng bị ăn sạch thì sau này sẽ không có cây mét mới, ảnh hưởng đến sự tồn tại của cả khu rừng”, ông Thể lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết, cây mét được xem là 1 trong những cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Mỗi ha mét cho thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, những ngày gần đây châu chấu xuất hiện với mật độ cao, lên đến hàng triệu con trên nhiều diện tích rừng mét ở xã Nghĩa Bình. Châu chấu phá hại làm giảm đi 1/3 đến 1/2 năng suất mét của người dân.
“Các năm trước đều xuất hiện châu chấu phá hại, nhưng mật độ thấp. Năm nay mật độ châu chấu cao hơn, mức độ thiệt hại khó tính toán cụ thể. Tuy nhiên, khi châu chấu phá hại sẽ làm giảm năng suất đáng kể, nó gây hại nặng nhất đến những cây mét non”, ông Thắng cho hay.
Hiện, UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ và thực hiện các giải pháp phòng trừ dịch châu chấu.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Kỳ cũng đang phối hợp với UBND xã Nghĩa Bình và chủ rừng, tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ châu chấu, bằng cách sử dụng thiết bị bay (drone) để phun trên những diện tích châu chấu đang gây hại.