Địa phương miễn, giảm học phí: Rút ngắn khoảng cách hưởng thụ chính sách

GD&TĐ - Sau Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, một số địa phương như Long An, Khánh Hòa, Quảng Nam… đã ban hành chính sách miễn, giảm học phí cho HS.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trong ngày khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: PV
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trong ngày khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: PV

Ngân sách địa phương sẽ cấp bù để đảm bảo bài toán tài chính cho các hoạt động ở trường học.

Chính sách an sinh xã hội

Năm học 2024 - 2025, học sinh Đà Nẵng được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 49 của HĐND thành phố. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, học sinh toàn thành phố được hỗ trợ học phí.

Theo đó, hỗ trợ 100% học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trong 9 tháng của năm học; hỗ trợ 100% học phí cho học sinh đang học kiến thức văn hóa THPT và chương trình GDPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục trong tối đa 9 tháng năm học.

Đà Nẵng không phải địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ ngân sách. Cùng với Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng tiếp tục hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp học.

Cùng với ban hành mức thu học phí năm học 2022 - 2023 theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành nghị quyết để hỗ trợ 100% học phí bằng mức thu học phí công lập theo quy định cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS. Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2023 - 2024. Học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2024 - 2025.

Dự kiến, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chi hơn 560 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ học phí trong giai đoạn 2022 - 2025. Như vậy, khi việc hỗ trợ học phí của địa phương chấm dứt thì học sinh những cấp học này cũng được miễn học phí theo chính sách chung của cả nước.

Năm học 2024 - 2025, có thêm một số tỉnh, thành như Khánh Hòa, Quảng Nam, Long An, Vĩnh Phúc ban hành chính sách miễn, giảm học phí.

Theo Nghị quyết HĐND tỉnh Khánh Hòa được thông qua vào ngày 13/9, năm học 2024 - 2025, sẽ miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập. Mức hỗ trợ được thực hiện theo mức thu học phí năm học 2024 - 2025 trong 9 tháng, với tổng kinh phí hơn 75 tỷ đồng. Việc hỗ trợ chia thành 2 đợt: Lần 1 hỗ trợ học phí 4 tháng của năm 2024, lần 2 hỗ trợ học phí 5 tháng của năm 2025.

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Khánh Hòa đã dành sự quan tâm lớn đối với ngành Giáo dục.

Trước đó, trong 2 năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, Khánh Hòa đã hỗ trợ 50% học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Năm học 2024 - 2025, tỉnh hỗ trợ 100% và trích từ ngân sách để cấp bù nguồn thu học phí cho các trường học.

Năm học 2024 - 2025, Long An giảm 50% học phí đối với trẻ mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, miễn 100% học phí đối với học sinh THCS học tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh; với học sinh THPT giữ mức thu ổn định như năm học 2021 - 2022. Từ năm học 2025 - 2026 và những năm tiếp theo, Long An sẽ miễn 100% học phí đối với trẻ mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.

rut-ngan-khoang-cach-huong-thu-chinh-sach-7492-4928.jpg
Học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trong tiết học hoạt động trải nghiệm tập nấu ăn. Ảnh: NTCC

Công bằng trong hưởng thụ giáo dục

Cuối tháng 9/2024, Quảng Ninh thông qua Nghị quyết miễn học phí. Theo đó, trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên được tỉnh hỗ trợ học phí trong 9 tháng của năm học. Với học sinh trường công, mức chi bằng 100% học phí. Với học sinh tiểu học, THCS tư thục,

Quảng Ninh hỗ trợ từ 15.000 - 60.000 đồng/tháng tùy theo cấp học. Tổng cộng, gần 240.000 học sinh được hỗ trợ với số tiền khoảng 167 tỷ đồng. Nghị quyết về hỗ trợ học phí được thông qua trong bối cảnh cơn bão Yagi gây thiệt hại trên 23.700 tỷ đồng. Theo thống kê, 70% gia đình học sinh bị ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện sinh hoạt, sản xuất.

Có ý kiến cho rằng, nếu tính số tiền từ ngân sách phải bỏ ra để bù cho các trường học đảm bảo khoản chi từ nguồn học phí là một con số khá lớn đối với địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh… Trong khi đó, nếu chia trên đầu học sinh thì con số hưởng thụ vài triệu tiền học phí cho một năm học không lớn khi so với các chi phí học tập khác mà phụ huynh phải bỏ ra.

Thế nhưng, hỗ trợ học phí ở cả trường ngoài công lập, với mức hỗ trợ ngang bằng mức học phí của các trường công lập, là một trong những bước đi mang đến sự công bằng, bình đẳng ở giáo dục công lập và ngoài công lập, xét về hưởng thụ chính sách giáo dục.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhựt sống trong hẻm nhỏ đường Ông Ích Khiêm (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Hằng ngày, chị bán thức ăn sáng cho người dân trong khu vực, chồng làm bảo vệ.

Chị Nhựt tâm sự: “Nghe thông tin tăng học phí tôi lo lắm. Vì với mức thu thấp nhất của các trường khu vực thành phố thì vẫn phải đóng 300.000 đồng/học sinh/tháng. Nhà tôi 2 con đi học, mỗi tháng đóng 600.000 đồng học phí. Số tiền này với người lao động bình thường là con số không hề nhỏ. Bây giờ thì có thể thở phào nhẹ nhõm bởi ngoài học phí là tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt, quần áo, sách vở, học thêm… Miễn được khoản nào người dân mừng khoản đó”.

rut-ngan-khoang-cach-huong-thu-chinh-sach3-4369-7078.jpg
Học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) tham gia hoạt động STEM trong Ngày hội giao lưu các CLB trường học. Ảnh: NTCC

Còn bất cập

Nhằm hỗ trợ thêm cho học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện không được hưởng chính sách của Trung ương, năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 27 quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2026.

Tuy nhiên, có tình trạng bất cập là sự chênh lệch quá lớn giữa học sinh hưởng chính sách của Trung ương so với chính sách của địa phương. Trong khi đó, các em đều ở cùng một khu nội trú của trường, cùng ăn chung một bàn ăn nhưng 2 mức hỗ trợ khác nhau.

Cụ thể, học sinh hưởng chính sách Trung ương theo Nghị định số 116 năm 2016 về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng 560.000 đồng/tháng và nay tăng lên 720.000 đồng do mức lương cơ sở tăng.

Trong khi đó, học sinh hưởng chính sách của địa phương theo Nghị quyết 27/2021 là 300.000 đồng/tháng. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong quá trình tổ chức nấu ăn và tạo tâm lý phân biệt, dẫn đến sự mặc cảm trong học sinh.

Ngày 23/1/2024, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, Kỳ họp thứ 20 đã ra Nghị quyết điều chỉnh theo hướng tăng mức hỗ trợ cho học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc diện không được hưởng chính sách của Trung ương lên 360.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho hay: “Chính sách thể hiện sự quan tâm của tỉnh đến giáo dục thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho trẻ em có quyền được học tập; tạo sự công bằng trong phát triển giáo dục...

Đồng thời, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, hạn chế thấp nhất học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bỏ học”.

Cũng tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông quy nghị quyết, điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số lớp 12 các trường miền núi ở lại trường để ôn tập nhằm chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng lên.

Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn học sinh với mức 1.440.000 đồng/tháng; tiền ở là 180.000 đồng/tháng (chỉ áp dụng đối với học sinh không được bố trí ở tại ký túc xá). Thời gian kể từ khi kết thúc năm học đến ngày thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, hỗ trợ giáo viên 120.000 đồng/tiết; trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 8 tiết/tuần/lớp, các môn thi còn lại 4 tiết/tuần/lớp.

Tuy nhiên, từ thực tế tại Trường THPT DTNT tỉnh Quảng Nam, thầy Hiệu trưởng Lê Viết Sơn chia sẻ, nhà trường gặp vướng mắc trong xác định số lượng học sinh hưởng kinh phí hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp tới cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi tiến hành cho đăng ký thăm dò các môn tự chọn đối với học sinh lớp 12 thì nhiều môn chỉ có khoảng chục học sinh đăng ký, thậm chí có môn vài em chọn. Do đó, số lượng lớp ôn tập sẽ nhiều hơn số lớp học. Trong khi đó, theo quy định thì quy mô lớp phải đảm bảo 35 học sinh/lớp.

Hơn nữa, quy định áp dụng cho học sinh dân tộc thiểu số, trong khi trường có học sinh người Kinh với chỉ tiêu tuyển 17 em/năm. Tất cả chính sách các em đều được hưởng, nhưng đến lớp 12 khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT không có.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, những điều chỉnh này nhằm phù hợp với mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 24/2023 của Chính phủ. Đồng thời, đảm bảo tương đồng với một số chính sách tương tự hiện nay trên địa bàn tỉnh và phù hợp theo Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ