Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chế độ làm việc của giáo viên mầm non được quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD&ĐT, theo đó, mỗi giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ trên lớp đủ 6 giờ/ngày (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày), 4 giờ/ngày (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày) và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần theo quy định.
Chế độ sinh hoạt của trẻ mẫu giáo quy định thời gian hoạt động tại trường (bao gồm cả thời gian đón và trả trẻ) từ 8,8 giờ đến 10,3 giờ (theo Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/ 7/2009 và Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/ 2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Đối với lớp học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo hoặc 2,5 giáo viên/nhóm trẻ (theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Với quy định như trên, giáo viên sẽ được bố trí đan xen, gối nhau, giáo viên đến lớp sớm để đón trẻ sẽ được về sớm, giáo viên mầm non đến muộn sẽ về muộn để trả trẻ, đảm bảo mỗi giáo viên chỉ phải thực hiện 6 giờ/ngày và 2 giờ thực hiện các công việc khác theo quy định tại Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT (chuẩn bị đồ dùng dạy học, soạn bài, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động chuyên môn).
Hiệu trưởng trường mầm non cần nghiên cứu, bố trí sắp xếp giáo viên/lớp hợp lý để có thể kết hợp giờ sinh hoạt của trẻ và giờ làm việc của giáo viên phù hợp với quy định.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cần bố trí biên chế, tuyển dụng đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định nhằm bảo đảm chế độ làm việc, tránh trường hợp giáo viên bị quá tải do thiếu giáo viên. Bộ GD&ĐT đang tổ chức khảo sát, nghiên cứu về chế độ làm việc giáo viên mầm non để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.