Tạo mái ấm nhà trường, ngăn học sinh bỏ học

Tạo mái ấm nhà trường, ngăn học sinh bỏ học

(GD&TĐ) - Ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, trách nhiệm chính là các nhà trường. Nhưng không có gia đình các em và sức mạnh của các lực lượng xã hội, chắc chắn các nhà trường không thể làm nổi. 

Tuy ở vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng 7 năm nay, Trường TH Châu Bình 1 (Qùy Châu) không có học sinh nào bỏ học.jpg
Tuy ở vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng 7 năm nay, Trường TH Châu Bình 1 (Quỳ Châu) không có học sinh nào bỏ học

"Bán trú cô nuôi" giúp học sinh khó khăn được đến trường

Năm học mới, học sinh các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên tựu trường từ ngày 12/8 và chính thức vào học từ ngày 19/8. Sau hai tuần kể từ ngày tựu trường, theo số liệu của 18/21 Phòng GD&ĐT và 18/20 trung tâm GDTX, đã có 1.484 học sinh (115 học sinh tiểu học, 971 học sinh THCS, 340 học sinh THPT và 58 học viên trung tâm GDTX) không đến nhập học.

Các địa phương có nhiều học sinh phổ thông bỏ học trong hè là: Kỳ Sơn (388 em), Quỳnh Lưu (201 em), Yên Thành (121 em), Tương Dương (107 em), Nghĩa Đàn (96 em),  Thanh Chương (71 em),…

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền Phong 2 (huyện vùng cao Quế Phong) - cho biết: Để ngăn chặn học sinh bỏ học, mấy năm nay, năm nào cũng vậy, ngay ngày tựu trường đầu tiên, Trường phải tìm hiểu lý do vì sao học sinh không đến nhập học để có kế hoạch giải quyết.

Ngay năm nay, buổi đầu tiên tựu trường đã có đến 14 em không có mặt. Qua tìm hiểu, cả 14 em đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, có trường hợp 4 chị em, 3 chị em tự nuôi nhau do bố mẹ bị tù, bố mẹ bỏ nhau…

Tất cả những trường hợp này, tập thể cán bộ, giáo viên của Trường đều dang rộng tay cưu mang các em: góp tiền túi mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo và tổ chức cho các em ăn trưa tại trường theo phương thức “bán trú cô nuôi”. Vì thế nên không một em nào phải bỏ học. Và cả huyện Quế Phong, tính đến 25/8, chỉ có 11 học sinh tiểu học và 21 học sinh THCS không đến nhập học.

Theo bà Võ Thị Lộc - Trưởng phòng GD&ĐT Quỳ Châu, ở huyện vùng cao Qùy Châu, nhiều năm nay, không phải chỉ ở vài ba trường mà cán bộ, giáo viên của tất cả các trường tiểu học và THCS; cán bộ, chuyên viên của cơ quan Phòng GD&ĐT, tháng nào cũng vậy, đều trích một số tiền lương của mình góp vào quỹ giúp đỡ học sinh nghèo nên đã hạn chế được tình trạng bỏ học của các em.

Năm học 2012 - 2013, cả huyện chỉ có 1 học sinh tiểu học và 7 học sinh THCS bỏ học. Năm nay, cũng chỉ còn 8 học sinh THCS không đến trường.

Năm ngoái, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu có 32 học sinh bỏ học, nhưng đầu năm nay, chỉ có 2 em không đến trường.jpg
Năm ngoái, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu có 32 học sinh bỏ học, nhưng đầu năm nay, chỉ có 2 em không đến trường.

Nhà trường là mái ấm

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lô Văn Ngọ - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong - cho biết: Năm ngoái, cả trường có đến 90 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 nhưng không đến nhập học. Năm nay, khối 11 và khối 12 nhìn thấy trước sẽ có 14 em bỏ học (8 em ở nhà lấy chồng và 6 em đi làm ăn xa).

Riêng học sinh lớp 10, tính đến ngày 15/8, còn 38 em không đến trường. Nhà trường đã bố trí giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, vào tận các gia đình thuyết phục để các em đi học. Nhà trường cũng đã sắp xếp, ưu tiên các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được ở nội trú ngay trong trường để tập thể tiện giúp đỡ và cũng giảm bớt khó khăn cho các em. Và hiện tại, chỉ còn vắng 20 em.

Ở Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu), năm học 2012 - 2013 có đến 32 em bỏ học. Theo Hiệu trưởng Lê Đức Thục, nguyên nhân bỏ học chủ yếu do các em có hoàn cảnh khó khăn và học yếu.

Rút kinh nghiệm, ngoài việc giúp đỡ bằng vật chất đối với những em có khó khăn về đời sồng, nhà trường đã mở một lớp học tình thương gồm 40 em của cả ba khối; các em ở lớp này được các thầy cô giáo giảng dạy, giúp đỡ để vượt qua mức học yếu kém mà không phải nạp bất cứ một đồng nào. Điều đáng mừng là hiện tại, cả trường chỉ còn có 2 em không đến nhập học sau hè.

Kinh nghiệm từ huyện Quỳnh Lưu

Ông Võ Minh Kỳ - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu (huyện mà năm học 2012 - 2013 có số học sinh bỏ học nhiều nhất tỉnh - 470 em) - cho rằng: Đối với học sinh tiểu học và THCS bỏ học, dù lý do gì, cũng phải vận động, giúp đỡ để các em đến trường.

Còn với học sinh THPT và GDTX thì nên điều tra, phân loại. Trường hợp học sinh khó khăn về kinh tế thì không thể để các em phải bỏ học, còn những em bỏ học do chán nản vì học quá kém thì nên hướng để các em đi học nghề. Năm học trước, ở Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, bên cạnh 32 em bỏ học hẳn, đã có 10 em khác chuyển đi học nghề. Hướng đi này có lợi cho các em và gia đình các em hơn. Sau này, vẫn có thể học lên tiếp.

Được biết, so với năm ngoái, năm nay, sau hè, chưa tính thị xã Hoàng Mai và hai huyện Tân Kỳ, Con Cuông, số học sinh không đến nhập học tuy có giảm so với năm ngoái 208 em, nhưng vẫn còn nhiều (1.484 em).

Đây vẫn là con số đáng báo động, nhất là ở các huyện Kỳ Sơn (98 học sinh tiểu học, 282 học sinh THCS, 8 học sinh THPT, 9 học sinh GDTX bỏ học), Quỳnh Lưu (167 học sinh THCS, 34 học sinh THPT, 4 học viên GDTX bỏ học), Yên Thành (73 học sinh THCS, 49 học sinh THPT, 3 học viên GDTX bỏ học).

Ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, trách nhiệm chính là các nhà trường. Nhưng không có gia đình các em và sức mạnh của các lực lượng xã hội, chắc chắn các nhà trường không thể làm nổi.

Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương có nhiều học sinh bỏ học cần ra tay, có giải pháp huy động các lực lượng xã hội vào cuộc, cùng chung tay với các nhà trường để học sinh không phải bỏ học, trước hết là đối với những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Vào đầu năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh Nghệ An có 1.692 học sinh phổ thông không đến nhập học - ngành GD gọi đây là số học sinh bỏ học trong hè. Theo số liệu của 20 Phòng GD&ĐT tỉnh, tính từ ngày khai giảng năm học 2012 - 2013 đến ngày 31/5/2013, đã có 2.837 học sinh bỏ học.

                                                         Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ