Đi trước một bước

GD&TĐ - Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2024, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu tăng tốc công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Không chỉ công khai các thông tin tuyển sinh, ngành học trên trang web/fanpage, chạy chương trình tư vấn trên nền tảng số, các trường còn cử nhân sự trực tổng đài 24 giờ/7 ngày, thành lập đội tư vấn tiếp cận học sinh ở trường THPT, tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh... Nhiều trường còn phối hợp với trường phổ thông và đơn vị sự kiện tổ chức chương trình cho học sinh tham quan trường đại học.

Việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp vào mỗi mùa tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng đã mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Không chỉ nhận được thông tin chính thống về ngành, trường học, xu hướng thị trường lao động, qua các chương trình tư vấn, học sinh còn được hướng dẫn bí quyết học thi, giữ gìn sức khỏe, cân bằng tâm lý... Cũng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ các trường, học sinh được tiếp cận trực tiếp với người có chuyên môn nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó có quyết định đúng đắn trong chọn nghề và trường.

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực là mang lại nhiều thông tin bổ ích cho học sinh, thực tế hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp do các trường đại học, cao đẳng tổ chức/hoặc phối hợp với đơn vị khác cũng bộc lộ một vài bất cập. Chi tiền tỷ hằng năm cho công tác tư vấn, dĩ nhiên các trường đồng thời đặt ra mục tiêu gặt hái: Tăng mức độ nhận diện thương hiệu, thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh, tăng số lượng đăng ký xét tuyển vào trường. Vì thế, thông tin tư vấn của phần đông trường nặng về quảng bá hơn là hướng nghiệp khách quan.

Cũng vì hướng đến “khách hàng” trước mắt là học sinh lớp 12, nên đa số chương trình tư vấn do trường đại học, cao đẳng tổ chức/hoặc phối hợp đều không mặn mà nhắm đến học sinh các khối lớp dưới. Trong khi đó, với Chương trình GDPT 2018, thời điểm hướng nghiệp lý tưởng nhất là cuối lớp 9, đầu lớp 10, bởi đa số học sinh nhóm lớp này rất cần định hướng ngành nghề sớm để chọn tổ hợp môn theo học.

Nhiều giáo viên lớp 12 chia sẻ, giá như các chương trình tư vấn tổ chức sớm hơn, từ lớp 9 - 10, học sinh sẽ có thời gian thấm, chọn ngành chín chắn hơn. Thời điểm lớp 12 lo học thi, lại được cấp tập tư vấn hướng nghiệp, nhiều em khá lúng túng trước “bão” thông tin.

Quy trình định hướng phát triển nghề nghiệp là một vòng lặp bắt đầu từ nhận thức bản thân - nhận thức về thế giới nghề nghiệp, khám phá cơ hội phù hợp - lập kế hoạch nghề nghiệp, vì thế cần thực hiện càng sớm càng tốt. Hướng nghiệp muộn, hướng nghiệp từ ngọn, học sinh khó nắm được kiến thức về ngành học; xu hướng phát triển của nhóm ngành và công việc cụ thể sau khi ra trường.

Học sinh chưa được định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ khi học THPT dễ dẫn đến gia tăng tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng để học lại ngành khác và gián tiếp nâng tỷ lệ thất nghiệp. Thực trạng này đòi hỏi công tác hướng nghiệp cần tiếp tục được đổi mới và thực hiện sâu sắc hơn nữa.

Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 đã khẳng định rõ định hướng nghề nghiệp, đây là cơ hội để các trường mở rộng hoạt động hợp tác giúp học sinh được trải nghiệm nghề nghiệp sớm và sâu hơn. Thay vì cấp tập mở cửa cho các chương trình nhắm đến học sinh 12, cần hướng đến phân khúc học sinh lớp 9 - 10. Hướng nghiệp sớm, đi trước một bước so với tuyển sinh chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ và chọn đại ngành/trường theo học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ