Di tích mà biết nói năng

GD&TĐ - “Di tích mà biết nói năng/ Thì đứa phá hoại hàm răng chẳng còn” – câu châm ngôn chế nói lên bức xúc lẫn bất lực trước thực trạng quá nhiều di tích đang bị đối xử theo cách rất tồi tệ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, di tích quốc gia đình Tự Đông thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị xâm hại bởi “bích họa” được vẽ lên bức tường phía sau hậu cung và một phần tường bao đình.

Bức bích họa được Đoàn Thanh niên địa phương thực hiện trên tường khu đầu hồi của đình cổ Tự Đông - sau khi bức tường này bị người dân dán, sơn các thông tin quảng cáo, rao vặt...

Với tổng kinh phí 40 triệu đồng, bích họa gồm nhiều họa tiết sơn màu, với hình ảnh trung tâm là bản đồ Việt Nam màu đỏ.

Từ động cơ tích cực, nhưng vô tình đã vi phạm Luật Di sản văn hóa. Rất may, sai lầm này có thể tạm khắc phục. Địa phương đã cho xóa bỏ và phủ lại màu sơn cũ lên tường.

Ngay sau đó cũng tại Hải Dương, cổng Nghi môn tại di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà) lại dậy sóng dư luận - khi bị phá bỏ hoàn toàn, thay thế bằng cổng mới sơ sài.

Phá hoại di tích hay đập cũ xây mới đã không còn là chuyện lạ ở nước ta. Nhưng lạ nhất là những hành vi xâm phạm di tích cứ liên tiếp xảy ra mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm.

Sự kiện đoàn làm phim tự ý tô vẽ giếng cổ ở Đường Lâm (Hà Nội) đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản. Nhưng có lẽ, về mức độ phá hoại thì còn thua xa hành vi phá giếng cổ để xây giếng mới tại di tích lịch sử đền thờ Bảng nhãn – nhà sử học Lê Văn Hưu tại thôn 3, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa - Thanh Hóa).

Đặc biệt, trong việc tôn tạo di tích tháp Bánh Ít (Bình Định), người ta còn đưa cả máy cơ giới vào thi công, trái ngược với các biện pháp đã được thẩm định. Địa phương này, mấy năm trước còn đang tâm đóng khung thép lên tháp Đôi và tháp Bánh Ít chỉ vì mục đích quảng bá du lịch.

Đáng sợ hơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định vừa qua còn ra công văn xác minh, xử lý cán bộ, viên chức của bảo tàng vì dám cung cấp tư liệu liên quan đến những sai trái của dự án tháp Bánh Ít.

Trước các hành vi sai phạm rõ như ban ngày, thay vì nhận lỗi – một số kẻ có trách nhiệm thường đưa ra những lý do “rất chính đáng” để ngụy biện. Ngoài mục đích “đánh bùn sang ao” đổ vấy tội cho người khác, những kẻ phá hoại di tích còn rất giỏi trong việc đe nẹt, dọa dẫm người công chính.

Di tích giống như một miếng mồi ngon giữa bầy sói dữ. Không có dự án trùng tu thì di tích có thể chỉ bị thời tiết bào mòn. Nhưng nếu có dự án, thì y rằng lành ít dữ nhiều – không bị san phẳng thì cũng “sứt đầu mẻ trán”, hoặc nhẹ thì bị “phẫu thuật” đến nỗi khó ai nhận ra đó là… di tích!

Thế nhưng phải công nhận, những kẻ phá hoại di tích đang gặp thời. Pháp luật còn nhiều kẽ hở để chúng tác oai tác quái, chứ nếu “di tích mà biết nói năng/ Thì đứa phá hoại hàm răng chẳng còn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ