Đi tắt, đón đầu trong đào tạo nguồn nhân lực ứng phó biến đổi khí hậu

Đi tắt, đón đầu trong đào tạo nguồn nhân lực ứng phó biến đổi khí hậu

(GD&TĐ)- Nguy cơ biến đổi khí hậu đang hiển hiện: thời tiết, bão lũ hàng năm trở lại đây diễn biến tiêu cực với tần xuất cao, cường độ nhiều hơn, mưa lớn hơn, hạn hán khốc liệt hơn, lũ lớn và gây bất ngờ… Những hiện tượng thời tiết cực đoan này là những dấu hiệu rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống và ổn định, an sinh xã hội; trong tương lai, đòi hỏi có một đội ngũ cán bộ chuyên về ứng phó với các diễn biến của hiện tượng này.

Những thảm họa 

Trong vòng vài chục năm gần đây, mỗi năm trung bình có hơn 200 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai gây ra, đặc biệt là động đất, sóng thần, bão, lũ, hạn hán,… đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo Liên hiệp quốc, thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn thế giới tăng gấp ba lần trong 40 năm qua, từ mức 525,7 tỷ đô la Mỹ của GDP toàn cầu lên 1.580 tỷ. Trong vòng 30 năm qua với các nước giàu, thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thiệt hại do lũ, lụt tăng 160%, thiệt hại do bão tăng 262%. 

PGS.TS Hoàng Ngọc Quang đang giới thiệu phương án xây dựng, phát triển trường với Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang.
PGS.TS Hoàng Ngọc Quang đang giới thiệu phương án xây dựng, phát triển trường với Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang.    

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là nơi chịu nhiều tác động nhất do thiên tai gây ra. Ở khu vực này, người dân chịu hậu quả của thiên tai cao gấp 4 lần người dân ở Châu Phi, gấp 25 lần ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Thảm họa lịch sử tiêu biểu phải kể đến là: năm 2004, trận động đất 9,3 độ ríchte kéo theo sóng thần cao 30m ở Ấn Độ Dương  tàn phá In-đô-nê-xi-a, Xri-lan-ka, Ấn Độ, Thái Lan, Xô-ma-li-a, Mi-an-ma, Nam Phi, Man-đi-vơ, Ma-lai-xi-a,… làm trên 230 nghìn người chết, trên 45 nghìn người mất tích, trên 125 nghìn người bị thương, gần 1 triệu 700 nghìn người phải di tản. Chỉ tính riêng năm 2010, thảm họa đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 222 tỷ đô la Mỹ, gấp hơn 6 lần so với 2009 (36 tỷ đô la Mỹ), làm gần 260 nghìn người chết so với 15 nghìn người năm 2009. Riêng động đất ở Ha-i-ti (12/1/2010) đã làm trên 222 nghìn người chết và lũ, lụt ở Pa-ki-xtan (tuần cuối tháng 7/2010) đã làm hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Gần đây nhất là vào ngày 11/3/2011, thảm họa động đất miền Đông Nhật Bản mạnh 9,1 độ rích-te gây sóng thần cao tới 38,9m, có nơi vào sâu trong đất liền tới 10km làm trên 13 nghìn người chết, trên 14 nghìn người mất tích, gần 5 nghìn người bị thương với tổng thiệt hại ước tính khoảng 309 tỷ đô la Mỹ. Các nhà khoa học cảnh báo, thiên tai trong năm nay còn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Trong khi đó theo báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2010 thì ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương còn thiếu năng lực đánh giá toàn diện về thảm họa thiên tai, luôn bị bất ngờ do thiếu chuẩn bị sẵn sàng để phòng, chống và ứng phó. 

Việt Nam có chiều dài bờ biển là 3.260 km, nằm trong 5 trung tâm bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, ngập úng, tố, lốc, sạt lở, động đất, sóng thần, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán và sa mạc hóa, cháy rừng, rét hại, dịch bệnh,... Trong những năm gần đây, thiên tai ở nước ta luôn ở mức báo động cao, một phần là do tình trạng biến đổi khí hậu với những diễn biến thời tiết, thuỷ văn vô cùng phức tạp; phần nữa là do các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của con người chưa hợp lý, chưa mang tính bền vững cho môi trường.

Một nghiên cứu mới nhất của Trường ĐH TNMT về tài nguyên, khí tượng thủy văn tại lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) và thượng nguồn cho thấy, đường trung bình các yếu tố thời tiết hàng năm có sự biến đổi theo hướng tăng lên rõ rệt; nước biển có dấu hiệu dâng lên, triều cường xâm nhập sâu tại cửa sông Mã hàng chục cây số. Những yếu tố này đã ảnh hưởng tiêu cực đến những thay đổi các hiện tượng thời tiết trong tiểu vùng khí hậu sông Mã. 

Đón đầu nguồn nhân lực mới 

Biến đổi khí hậu có thể gây ra những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất như động đất, sóng thần. Ảnh, gdtd.vn
Biến đổi khí hậu có thể gây ra những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất như động đất, sóng thần. Ảnh, gdtd.vn

PGS.TS Hoàng Ngọc Quang - Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết do nhu cầu về ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên đang hình thành một ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, chưa có ĐH đào tạo nguồn nhân lực này ở trình độ đại học. ĐH TNMT được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên, môi trường ở bậc ĐH. Nhà trường đã và đang chuẩn bị đội ngũ giảng viên cho mở ngành đào tạo nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu; bên cạnh đó là chuẩn bị các điều kiện khác như cơ sở vật chất, trang thiết bị… đặc biệt là đã xây dựng xong chương trình đào tạo trình Bộ GD-ĐT thẩm định phê duyệt cho phép mở ngành đào tạo.

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo môn học biến đổi khí hậu cho các ngành ở giai đoạn, liều lượng phổ biến kiến thức, nguy cơ của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống. Ngoài ra, còn có những lớp đào tạo ngắn hạn cho bồi dưỡng cho những cán bộ trong ngành Tài nguyên môi trường cả nước hiểu biết về những nguy cơ của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá, đây là nguồn nhân lực trong tương lai sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân, các tổ chức xã hội hiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Về quản lý Nhà nước, Cục khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu mới được thành lập. Cục này đang xúc tiến triển khai các dự án về biến đổi khí hậu cũng như phổ biến các kiến thức xung quanh vấn đề này. Tại các địa phương trên cả nước hiện nay chưa hình thành hệ thống cơ quan chuyên môn về biến đổi khí hậu, do vậy chưa thực sự có nhu cầu về nguồn nhân lực chuyên môn này. Theo dự báo phải đến 5- 10 năm tới, khi những tác động của biến đổi khí hậu có những hậu quả hiển hiện trước mắt thì mới hình thành nhu cầu cán bộ cho công tác này.

Tuy vậy, trường Đại học Tài nguyên môi trường đã đi tắt đón đầu để chuẩn bị mở ngành đào tạo. Năm 2001, trường CĐ Tài nguyên môi trường được thành lập. Trước đó, nhà trường đã đào tạo được 24 khóa ĐH chuyên tu cho các cán bộ ngành Tài nguyên môi trường. Ban đầu, nhà trường có 60 cán bộ, trong đó chỉ có 30 giảng viên. Đến  năm 2005, khi đã thành lập trường CĐ Tài nguyên môi trường, nhà trường đã có một đội ngũ gồm 200 cán bộ giảng viên, trong đó khoảng 70% giảng viên có trình độ thạc sĩ, 10% tiến sĩ.

Năm 2010 thành lập trường ĐH TNMT, sau 2 năm, nhà trường đã có tốc độ vượt bậc phát triển đội ngũ giảng viên với gần 300 giáo viên với 94% có trình độ Thạc sĩ trở lên, 30 tiến sĩ và 50 Nghiên cứu sinh. Đây là những điều kiện tốt nhất của nhà trường để đào tạo trình độ ĐH trong 8 ngành hiện đang đào tạo tại nhà trường và chuẩn bị điều kiện cho đào tạo trình độ sau ĐH trong tương lai.

Hiện nay, quy mô đào tạo của nhà trường được mở rộng lên đến hơn 12.000 sinh viên các hệ từ Trung cấp, cao đẳng đến Đại học. Đáng lưu ý, hiện số sinh viên đăng kí dự thi vào các ngành của trường khá đông. Điểm trúng tuyển các ngành của trường những năm gần đây đều trên điểm sàn ít nhất từ 2 đến 3 điểm. Các hệ đào tạo khác liên thông Trung cấp lên Cao đẳng, ĐH, các hệ liên kết đào tạo thu hút đến trên 6.300 sinh viên theo học và con số này đang không ngừng tăng thêm hàng năm. Điều đáng mừng là trong số những sinh viên ra trường, hiện có khoảng 70- 75% có việc làm ngay theo đúng chuyên môn đào tạo. 

Về cơ sở vật chất, cùng với cơ sở vật chất đã có trước đây, nhà trường đang hoàn thiện dự án khu giảng đường và các phòng học đa chức năng có tổng mức đầu tư trên 75 tỷ đồng phục vụ cho công tác giảng dạy. Tuy mới đi vào thành lập, nhưng trường ĐH TNMT đã từng bước đi đúng hướng, đào tạo nguồn nhân lực theo mục tiêu, chiến lược gắn với nhu cầu sử dụng lao động của ngành. Đặc biệt là đi tắt đón đầu, chuẩn bị đội ngũ giảng viên và các điều kiện khác cho mở ngành đào tạo nguồn nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của cả nước trong tương lai.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ