Đi ra khỏi “vùng thoải mái” của bản thân tại Đại học Yale

GD&TĐ - Ở Đại học Yale – một trong những trường đại học hàng đầu trên thế giới, các bạn sinh viên quốc tế được nghiên cứu, tiếp xúc với những điều mà họ chưa từng biết hay nghĩ đến trước đây; họ bước ra khỏi “vùng thoải mái” của mình để nhìn thế giới theo một cách hoàn toàn khác.

Đi ra khỏi “vùng thoải mái” của bản thân tại Đại học Yale

Cậu sinh viên kỹ thuật điện đến từ Tusinia

Wissem Gamra cảm thấy mình rất khác so với các sinh viên khác khi anh bắt đầu học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut.

Gamra sinh ra ở Sousse, Tunisia – một đất nước ở cực bắc lục địa châu Phi. Anh đã sống ở đó cho đến năm 17 tuổi. Vào năm thứ ba trung học, anh đã có được một cơ hội học tại Học Viện Lãnh đạo châu Phi.

Đây là một trường đặc biệt ở Johannesburg, Nam Phi. Trường đào tạo học sinh từ khắp châu Phi để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai – những người sẽ giải quyết các vấn đề của châu lục này. Trường cũng giúp các học sinh của mình tìm tiền để các em có thể chi trả cho việc học tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Vì vậy, năm 2012, Gamra đến Johannesburg để hoàn thành chương trình giáo dục trung học của mình. Sau đó, anh đã xin vào học ở trường Đại học Yale để học về kỹ thuật điện.

Yale là một trường đại học nghiên cứu tư nhân, được thành lập vào năm 1701. Đây cũng là trường thuộc nhóm Ivy League – nhóm tám trường cao đẳng và đại học tư thục ở vùng đông bắc Hoa Kỳ, được xem là thuộc nhóm những trường tốt nhất trên thế giới. Năm cựu tổng thống Hoa Kỳ đã hoàn thành chương trình học của mình tại Đại học Yale.

Các trường của Ivy League chỉ chấp nhận một số ít sinh viên trong số hàng nghìn người xin nhập học. Khi Yale chấp nhận Gamra vào năm 2014, anh trở thành sinh viên đại học đầu tiên đến từ Tunisia của Yale. Gamra cảm thấy mình có trách nhiệm đại diện cho đất nước Tusinia tốt nhất có thể.

Anh chia sẻ: “Mình không thực sự cảm thấy mọi người đối xử khác biệt với mình, chỉ là đôi khi, khi mình nói với họ mình đến từ đâu, mọi người sẽ không biết đó là ở đâu cả, và mình coi đó là một cơ hội tốt để nói với họ nhiều hơn về Tusinia”.

Tuy nhiên, Gamra nói rằng anh cũng đã gặp phải một số khó khăn trước những khác biệt văn hoá giữa quê hương anh và nước Mỹ. Ví dụ, uống rượu tại các bữa tiệc là điều bình thường đối với nhiều sinh viên đại học Mỹ. Nhưng nhiều người Tunisia là người theo đạo Hồi, và đạo Hồi có những quy tắc mạnh mẽ chống lại việc uống rượu.

Ngoài ra, Gamra nói rằng một số người Mỹ có nhiều hiểu lầm về các nước đang phát triển. Ví dụ như trong năm học đầu tiên tại Yale, Gamra đã đi ăn tối với bố mẹ của một người bạn Mỹ của mình.

Sau bữa ăn, mẹ của người bạn đó đã nói với Gamra rằng thật buồn vì người Mỹ đã lãng phí rất nhiều lương thực trong khi những người sống ở các nước khác đang thiếu ăn, chết đói. Rồi bà đưa cho anh thức ăn thừa từ bữa ăn đó. Gamra nghĩ rằng bà làm vậy bởi vì bà nghĩ rằng anh không có đủ tiền để mua đồ ăn, điều này khiến anh ấy thấy hơi xúc phạm.

Tuy nhiên, Gamra nói đây chỉ là một ví dụ không hay. Anh đã làm việc chăm chỉ để kết bạn với nhiều người bạn Mỹ và chia sẻ với họ những điều tốt đẹp hơn về văn hoá của nước anh. Anh đã làm như vậy bằng cách tham gia các tổ chức sinh viên khác nhau tại Yale. Anh là thành viên của Bulldogs Racing và nhóm sinh viên này dành cả năm để xây dựng một chiếc xe đua nhằm cạnh tranh với các đội từ các trường đại học khác.

Ngoài ra, Gamra đã tham gia vào Bulldog Productions – một nhóm sản xuất phim ảnh và nhà hát của trường đại học Yale. Gamra nói anh chưa bao giờ làm bất cứ điều gì liên quan đến rạp hát trước khi đến Mỹ. Nhưng anh đã bắt đầu thiết kế rạp hát khi anh gia nhập Bulldog Productions trong năm đầu tiên. Và vào mùa thu năm 2016, anh là nhà sản xuất chính của một vở nhạc kịch mang tên “Drakorian”.

Gamra nói rằng anh làm những điều mà mình không bao giờ mơ ước được làm tại một trường đại học ở quê nhà. Tại Tunisia, một sinh viên kỹ thuật điện sẽ tham dự các lớp học về kỹ thuật điện, nhưng thường thì không làm gì khác nữa cả.

Nghiên cứu sinh quản lý môi trường đến từ Uruguay

Melissa Castera nói rằng cô đã chọn Đại học Yale vì họ cung cấp cho sinh viên những cơ hội nghiên cứu các ngành ngoài lĩnh vực chính của họ. Cô bắt đầu học và làm việc để lấy bằng thạc sỹ về quản lý môi trường vào năm 2015.

Castera đến từ thị trấn Salto, Uruguay. Cô đã có bằng đại học về kỹ thuật dân dụng của Đại học Cộng hòa ở Montevideo năm 2008. Vài năm sau, cô quyết định muốn có kinh nghiệm quốc tế để mở rộng sự hiểu biết của mình về thế giới. Vì vậy, Castera đã quyết định tìm một học bổng Fulbright.

Đây là một chương trình do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ. Học bổng này cung cấp tiền cho sinh viên và giáo sư người Mỹ để học tập và giảng dạy ở các nước khác. Nó cũng cung cấp tiền cho sinh viên và giáo sư quốc tế muốn học tập và giảng dạy tại các trường cao đẳng hoặc đại học Mỹ.

Castera cho biết biệc học tập ở nước ngoài không phổ biến đối với sinh viên Uruguay. Vì vậy, khi cô nhận được học bổng và biết được Yale đã chấp nhận mình, nhiều người bạn của cô đã bị sốc: “Họ phản ứng giống như là “Gì? Bạn sắp đi đâu cơ? Đi thế nào? Bạn quyết định lúc nào vậy?” Tất cả họ đều rất ngạc nhiên với những gì đang xảy ra. Khi tôi nói “Yale”, họ nói, “Wow. Sao bạn vào được đó vậy? Chúng ta đến từ một đất nước quá nhỏ bé. Họ có biết Uruguay là ở đâu không vậy?”

Kể từ khi cô bắt đầu học tại Yale, Castera nói rằng cô luôn chào đón những khó khăn trong công việc. Cô đã chọn nghiên cứu quản lý môi trường vì cô muốn tìm hiểu thêm về cách bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, chương trình của cô tại Yale đã buộc cô phải học hỏi nhiều hơn nữa, bao gồm cả chính trị và kinh tế.

Castera nói rằng bằng cách xem xét cả các lĩnh vực nghiên cứu khác, cô đã phải suy nghĩ theo những cách mà cô không bao giờ nghĩ trước đây. Và với những cách mà cô đã phải sử dụng những kiến thức đó, kể cả việc nói trước công chúng, đã đẩy cô ra khỏi “vùng thoải mái” của mình. Giờ đây, Castera cảm thấy cô có thể thể hiện mình bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn.

Yale cũng đã mang đến cho Castera cơ hội để nhìn thế giới mà cô chưa từng được thấy trước đây. Là một phần của chương trình học, trường yêu cầu cô làm một thực tập sinh. Vì vậy vào mùa hè năm ngoái, cô đã tham gia vào Viện Tài nguyên Thế giới để nghiên cứu việc sử dụng nước ở Brazil. Và vào mùa xuân năm 2017, cô tham gia chuyến đi của trường đến Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine để nghiên cứu cách giải quyết tranh chấp về nước.

Sau khi hoàn thành chương trình học, Castera nói rằng cô muốn làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề Castera không bao giờ biết nhiều hay suy nghĩ đến trước khi đến Yale.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ