Với văn chương, tên tuổi Bùi Chát đã quá quen thuộc, anh tên thật là Bùi Quang Viễn, sinh năm 1979 tại Hố Nai (Biên Hòa - Đồng Nai). Bùi Chát từng học văn chương và ngành luật, sau đó ra làm thơ và làm xuất bản. Những câu thơ rất lạ và rất “dị” của anh từng một thời gây tranh cãi về tính thơ và tính chính thống.
Nhà thơ vẽ ứng tác
Bạn bè giới văn chương biết đến một Bùi Chát rất “độc và lạ”, họ gọi anh là “dị nhân thơ”. Để ra một tập thơ, Bùi Chát ấn định hẳn một khoảng thời gian như một sự bắt buộc, rồi sau đó chuyên tâm sáng tác cho bằng xong mới thôi.
Thơ của Bùi Chát từng nhiều lần gây sóng gió trên văn đàn. Người nói đó là thơ, người phủ định. Thậm chí, có người quy kết anh là “kẻ phá thơ”, lại có người tôn vinh Bùi Chát là “thánh thơ”.
Bùi Chát ít quan tâm đến lời khen tiếng chê. Anh cho rằng, bình luận là quyền của người khác. Không chỉ vì tiếng khen mà thêm vui, cũng không vì lời chê mà phải buồn. Anh nghĩ đến công việc của nghệ sĩ, đó là sáng tạo – dù với bất kỳ chất liệu gì.
Không ngại ngần “nảy” tứ từ ý thơ người khác, miễn sao thấy hay và vui: “Thêm một chiếc răng rụng/ Thế là thành rụng răng”, hoặc: “Nhớ mày châm điếu thuốc/ Cháy rừng!! Làm sao đây…?”, và: “Anh gặp lại em, em gặp lại anh/ Nhớ ngày xưa hai đứa cùng vui vẻ/ Sao giờ gặp nhau em lại muốn đẻ”.
Cứ thế, những tập thơ tếu táo có, nghiêm chỉnh cũng nhiều, cứ sòn sòn như gà đẻ trứng. Rồi bỗng dưng: “Ngâm thơ gảy đàn không còn vui nữa”, Bùi Chát nghỉ làm thơ chuyển sang làm sách.
Và cứ thế, trong một vài bất ngờ, giới văn nghệ lại thấy anh đi mua bột màu, giấy vẽ. Họ ngỡ, Bùi Chát mua giúp vợ. Cho đến những ngày nóng như đổ lửa giữa tháng 7/2022 - triển lãm cá nhân “Improvisation” (Ứng tác) ký tên Bùi Chát ra đời.
Tại không gian nghệ thuật Alpha Art Station (271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, TPHCM), triển lãm thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, các nhà phê bình hội hoạ tìm đến, vừa để chúc mừng một nhà thơ vẽ tranh, vừa để tìm những kẽ hở ngớ ngẩn của một kẻ yêu thơ dám “đâm ngang” sang vẽ vời.
Ấy vậy mà sau khi ngắm những nét dọc ngang trên tranh Bùi Chát. Ngô Kim Khôi – nhà nghiên cứu lão làng và Lý Đợi – nhà phê bình khó tính xứ Quảng lại hết lời khen ngợi.
Giới văn nghệ và công chúng tại triển lãm “Improvisation” (Ứng tác) của Bùi Chát. |
Hội họa tình huống
“Không giống nhiều văn nhân băng ngang vào hội họa, thường vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện. Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng - đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa. Và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách lyrical abstraction rất riêng” – Giám tuyển, nhà phê bình Nguyên Hưng.
Bùi Chát bảo: “Hội họa tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến - ứng xử tình huống. Đối tượng của hội họa tình huống không gì khác ngoài các tình huống hội họa. Các nghệ sĩ không mô tả, thể hiện, phản ánh, hoặc hướng đến đối tượng - mà chỉ có thể xử lý, ứng biến, ứng xử với đối tượng”.
Nhà phê bình Lý Đợi cho rằng, với nhiều người việc nhà thơ Bùi Chát vẽ tranh là chuyện khá bất ngờ. Bởi đơn giản, bản tính anh vốn kín đáo, ít tương tác nên dù đã vẽ vài trăm tranh, cũng chẳng mấy người biết.
Từ hơn 15 năm trước, cùng với các thi sĩ Trần Tiến Dũng, Khúc Duy… Bùi Chát đã mầy mò, thể nghiệm thoải mái với việc vẽ tranh cùng các vật liệu, ngôn ngữ “phản trường quy”.
Nhưng vì thơ và các công việc xuất bản chiếm nhiều thời gian nên việc vẽ tranh của Bùi Chát đôi khi phải dừng lại, hoặc tạm bị che khuất.
Hai năm Covid-19 vừa qua, Bùi Chát đã trở lại mạnh mẽ cùng việc sáng tạo hội hoạ. Gần 30 tác phẩm trong triển lãm đầu tay này được giám tuyển Nguyên Hưng chọn lựa từ hàng trăm tác phẩm đã hoàn thành của Bùi Chát.
“Cũng như thơ, với nhiều tìm tòi thể nghiệm và pha trộn, trong tranh dù chọn hội họa tình huống, nhưng bản sắc pha trộn - tìm tòi của Bùi Chát vẫn vậy. Về ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy chủ đạo là trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), nhưng bảng màu thì phảng phất chất dã thú (fauvism), còn tinh thần sáng tác thì pha trộn giữa ngẫu biến (fluxus) và đa đa (dadaism)”, ông Lý Đợi cho hay.
Là bạn của Bùi Chát, đến xem tranh – chuyên gia khảo cổ học Nguyễn Khắc Hậu nói rằng: “Từ góc độ nghề nghiệp khảo cổ, tôi nghiệm ra con người biết vẽ hình trước khi biết viết chữ, trẻ em tập vẽ trước khi tập viết.
Vẽ là thể hiện mình một cách bản năng nhất, vì ngôn ngữ chữ viết dẫu sao vẫn là một kiểu “quy ước” của xã hội. Các nhà thơ, từ việc sử dụng ngôn ngữ chuyển sang, trở lại với “bản năng” vẽ để thể hiện mình, có lẽ là điều không khó hiểu”.
Khoảng chục năm nay, không ít nhà thơ cao hứng cầm cọ được công chúng cổ vũ nồng nhiệt như Lê Thị Kim, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Lê, Bùi Chí Vinh... Bây giờ lại có thêm Bùi Chát ứng tác trừu tượng. Các bức tranh được bày biện trong triển lãm, khiến người xem có thể thấy tác giả đã có sự chiêm nghiệm đủ sâu và rộng đối với nghệ thuật trừu tượng.
Có thể thích hay không thích, đồng ý hay phản đối thì với triển lãm lần này, Bùi Chát đã tự xác lập được cho mình một lãnh địa – lãnh địa trừu tượng. Ở đó, nghệ sĩ tự mình làm thượng đế để đưa ra tình huống và xử lí nó trong tâm cảnh.
Ngắm những bức vẽ trừu tượng dọc ngang đầy công lực, không thể gọi Bùi Chát là nhà thơ vẽ tranh. Bởi những tác phẩm ấy được thành hình từ những nhát cọ hàn lâm đầy cuốn hút.