Đi học ca 3: Khát vọng con chữ từ khu công nghiệp

GD&TĐ - Sáng đến công ty làm, chiều tối về ăn qua loa rồi vội vàng đến lớp; Đêm khuya khi người mệt đừ nhưng cũng phải cố lấy sách vở ra ôn bài. Ngày qua ngày, nhiều công nhân trẻ ở TPHCM vẫn miệt mài phấn đấu cho sự nghiệp “nuôi con chữ” của mình.

Công nhân Hồng Thị Thoa – lớp 12 (TT GDTX quận 12) luôn cố gắng với khát vọng “nuôi con chữ”
Công nhân Hồng Thị Thoa – lớp 12 (TT GDTX quận 12) luôn cố gắng với khát vọng “nuôi con chữ”

Những học viên xa quê “vượt dốc”

Ngày đi làm quần quật, tối đến tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX), những thanh niên xa quê lập thân đang phấn đấu học với ước mơ đổi đời. Để tìm được một lối vào giảng đường CĐ, ĐH đối với họ quả là gập ghềnh khi phải vừa học vừa kiếm tiền để “nuôi sự học”.

Đã hơn một năm nay, Nguyễn Thanh Tuấn đều đặn, sáng đi làm ở Công ty Việt Nhật (quận Bình Thạnh, TPHCM), chiều tan ca về phòng trọ tắm sơ qua rồi lại xuống TTGDTX Thủ Đức để học. Tuấn thường về đến phòng trọ lúc đồng hồ chỉ hơn 10 giờ đêm. “Nhiều lúc mệt đừ không muốn ăn, nhưng mình phải cố gắng để thức học bài và sáng mai còn đến công ty”, Tuấn tâm sự. Tối học bài đến 12 giờ mới ngủ, 4 giờ sáng phải “bật dậy” ôn bài rồi chuẩn bị đi làm, cường độ công việc lại cao nên hầu như khi đến lớp học là các bạn cứ “rã” người ra. Vì thế cảnh “ngủ gà ngủ gật” ngay trên lớp học cũng là dễ hiểu.

Trần Nhì Múi - thông dịch viên tiếng Hoa của Công ty Hương Khang (KCN Bình Dương), học lớp 11 – Trung tâm GDTX – KTHN Dĩ An (Bình Dương) nói về lo lắng của mình khi đi học buổi tối: “Nhiều đêm về khuya, dù đoạn đường từ trường về phòng trọ không xa, nhưng là con gái nên em cũng thấy sợ. Để an tâm em phải chọn đường ngắn, nhiều người qua lại”.

Trong khi đó, bạn Hồng Thị Thoa (21 tuổi) - công nhân một công ty giày da ở quận 12 đang là học viên lớp 12 của TTGDTX quận thường xuyên phải mượn vở bạn chép bài vì hay đến muộn. 5 giờ 30 phút mới tan ca, Thoa đạp xe thẳng đến trường dù không kịp ghé phòng trọ để thay quần áo nhưng việc muộn giờ học của cô công nhân giày da không còn là chuyện lạ đối với các bạn trong lớp và giáo viên. Thoa tâm sự: “Không chỉ vậy, nhiều lúc mình mệt và đói nên học không vào”. Khó khăn là thế, nhưng quyết tâm được đến lớp để “kiếm cái chữ” của cô gái trẻ quê Hải Dương vẫn không hề nao núng.

Một lớp học ở TTGDTX quận 12 có nhiều học viên là công nhân theo học
  • Một lớp học ở TTGDTX quận 12 có nhiều học viên là công nhân theo học

Khi sinh viên là công nhân

Không chỉ có những học viên theo học tại các TTGDTX, mà cả những lớp học ở các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ cũng có không ít người khoác trên mình bộ đồng phục công nhân.

Vừa tan ca sau giờ làm tại công ty may mặc ở khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2 (Bình Dương) Linh đạp xe về phòng trọ thay vội bộ quần áo công nhân rồi chạy đến một trung tâm ngoại ngữ”. Linh 25 tuổi, quê ở Định Quán (Đồng Nai), làm công nhân ở KCN Sóng Thần 2 hơn 3 năm. Nhờ tằn tiện chị mới có tiền tham gia lớp học cơ bản ở trung tâm ngoại ngữ. Linh tâm sự: “Lúc nhỏ không biết sự cần thiết của tri thức, 18 tuổi đã lấy chồng và sinh hai đứa con trai. Từ khi đi làm công nhân vất vả, thiếu thốn tôi mới thấm thía được giá trị của tri thức đối với cuộc sống cũng như công việc. Đây là cơ hội để tôi bổ sung kiến thức, chỉ mong nhờ vào nó mà tôi có thể kiếm được công việc nhẹ nhàng hơn”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao chị không chọn học tiếng Anh mà học tiếng Trung, Linh giải thích: “Đơn giản vì tại công ty tôi đang làm, nếu biết tiếng Trung thì lương sẽ cao hơn, lại có cơ hội trở thành người quản lí...”. Linh cũng cho hay, một vài đồng hương của chị đang làm việc tại Công ty Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM) nhờ đi học thêm tiếng Nhật, sau đó giao tiếp giỏi nên được “chấm” đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Hiện họ đều là tổ trưởng, tổ phó, cán bộ kỹ thuật của công ty, lương khá cao.

Lớp học của chị Linh có 25 người. Phần lớn là công nhân ở nhiều vùng quê khác nhau về làm trong các KCN tại Bình Dương và Thủ Đức (TPHCM). Anh Thanh, 34 tuổi, làm bảo vệ ở KCN Sóng Thần 1 cũng cố gắng mỗi tối vượt hơn 4km đến tham gia lớp học. Anh tâm sự: “Biết đâu sau lớp học này, tôi đổi nghề cũng không chừng. Gần một tháng học, tôi cảm thấy thú vị vô cùng vì vốn ngoại ngữ ngày càng khá lên”.

Mong tương lai tốt đẹp hơn

Dù rất nhiều lần đến muộn giờ học, nhưng Hồng Thị Thoa lại là một trong những học viên được thầy cô và bạn bè nể phục. Bởi Thoa luôn cố gắng vượt qua chính mình để có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Thoa nói: “Nghe nhiều người kể, mới tốt nghiệp lớp 9 thì rất khó xin được việc và có xin được cũng làm rất vất vả nhưng lương thì chẳng đáng bao nhiêu, khiến em rất tự ti. Nhiều lúc mặc cảm với mọi người trong lúc nói chuyện. Nhưng bây giờ em đã thấy mình tự tin hơn vì được thầy cô giúp đỡ rất nhiều. Ước mơ của em cũng sắp thành hiện thực khi chỉ không lâu nữa là em bước vào kỳ thi quan trọng nhất”.

Anh Nguyễn Thanh Long (Công ty Chen Tai), đang theo học lớp tiếng Trung giao tiếp (Bình Dương) cho biết: “Lúc chưa tham gia khóa học, sau giờ tan ca tôi thường đi... lai rai với bạn bè, không thì lê la ở mấy quán cà phê, xem phim, bóng đá đến khuya. Nhưng sau bốn tháng theo học ở Trung tâm Hoa ngữ Dĩ An, tôi đã có thể bàn công việc trực tiếp với quản lý người Trung Quốc. Mức lương hiện tại 3 triệu đồng/tháng nhưng chắc chắn sẽ tăng khi tôi hoàn thành khóa học”.

Thầy cô tại Trung tâm GDTX Quận 12, rất vui khi nói về những học sinh đặc biệt của mình. “Công nhân quyết tâm vượt qua vất vả để học và tốt nghiệp THPT là những người có ý chí mạnh mẽ, nhất là những học sinh bỏ học kiếm sống lâu năm. Họ học chăm chỉ, thái độ nghiêm túc và nhiều em có thành tích tốt. Các thầy cô trong trường rất quý các học viên công nhân và dành sự quan tâm đặc biệt cho các em. Học sinh yếu, kém hoặc thiếu tiết còn được thầy cô phụ đạo miễn phí vào ngày Chủ nhật”, một thầy giáo cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.