Sự việc lúc ban đầu diễn biến như sau: Ông Nguyễn Cự Đình - Chủ tịch UBND xã Hòa Nam ra quyết định (số 89) thành lập tổ thanh tra kinh tế tài chính trường cấp I Hòa Nam theo đơn thư khiếu tố của một số giáo viên trong trường.
Theo Thanh tra tỉnh Hà Tây giải thích thì việc xem xét giải quyết đơn tố cáo hiệu trưởng thuộc thẩm quyền của Phòng GDĐT Ứng Hòa. Đại diện Phòng GDĐT Ứng Hòa cũng đã giải thích trực tiếp với ông Đình về việc làm sai nguyên tắc này nhưng ông Đình không nghe.
Tổ thanh tra xã đã làm việc trong một thời gian dài. Hơn 80 lượt giáo viên, cán bộ của trường bị “mời làm việc” trong và ngoài giờ hành chính. Nhiều lớp học không có giáo viên dạy. Hoạt động dạy và học bị đảo lộn.
Tổng số tiền mà tổ thanh tra xã quy kết nhà trường tham ô chỉ vài triệu đồng. UBND xã còn buộc nhà trường phải thu hồi hơn 100 cuốn sách thuộc tủ sách dùng chung đã mất hoặc cho mượn chưa kịp đòi lại...
Sau đó thì xảy ra vụ việc ông Đình cho người thu giữ hai chiếc xe đạp của hiệu trưởng và thủ quỹ nhà trường, đồng thời liên tục cho thông báo về việc cưỡng chế trên hệ thống truyền thanh của xã, gây mất uy tín nghiêm trọng đối với thầy hiệu trưởng.
Thu giữ xe đạp không có biên bản
...Trước khi về Hòa Nam, chúng tôi vào Sở GD&ĐT Hà Tây xin làm việc. Anh Nguyễn Quang La, lúc đó là Giám đốc Sở, bức xúc: “Tôi thấy các đồng chí ở xã chưa hiểu hết về quản lý Nhà nước. Việc thanh tra vừa rồi là…lai căng”.
Quyền Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Tây là anh Hà Văn Truy nói: “ Đồng chí Chủ tịch tỉnh Hà Tây đã chỉ rõ, đối với UBND xã khi thanh tra nhà trường thì được kiểm tra về quỹ dân đóng góp xây dựng trường sở và báo cáo công khai trước dân; đồng thời khi kiểm tra không được làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường”.
Được các anh ở Sở GD&ĐT trang bị cho thêm một số “cơ sở pháp lý”, chúng tôi càng tin rằng việc làm của UBND xã Hòa Nam đối với trường cấp I Hòa Nam là sai trái.
Nhưng vụ việc lúc bấy giờ trở nên rất căng thẳng bởi trước đó, UBND huyện Ứng Hòa bất ngờ ra quyết định thành lập đoàn phúc tra về việc UBND xã Hòa Nam thanh tra, xét đơn khiếu tố.
Tiếng là phúc tra việc làm của UBND xã nhưng đoàn lặp lại gần như những gì xã đã làm đối với trường, nghĩa là tiếp tục thanh tra trường cấp I Hòa Nam với nội dung phức tạp và gay gắt hơn.
Sau khi đoàn phúc tra kết thúc công việc, UBND huyện ra quyết định xử lý số 85, giao UBND xã Hòa Nam thu hồi các khoản qui trách nhiệm vật chất cá nhân.
Đây là lý do để ông Đình thành lập tổ cưỡng chế tài sản, thu giữ hai xe đạp.
Thầy Nguyễn Mạnh Khuông - hiệu trưởng cho chúng tôi biết: hôm đó trên đường từ trường về nhà, ông đã bị tổ cưỡng chế chặn lại, kéo đẩy chiếc xe đạp, lúc đầu định dẫn vào trụ sở ủy ban, sau đưa vào văn phòng nhà trường rồi tiến hành thu giữ chiếc xe đạp mà không có biên bản.
Làm việc với ông Đình tại trụ sở UBND xã, anh Quang Hiểu đã kịp ghi âm lại nguyên văn lời nói của Chủ tịch xã: “Chúng tôi làm việc đó (cưỡng chế xe đạp) tương đối bài bản chứ không phải làm vu vơ đâu. Nếu không các ông ấy (các giáo viên trường cấp I Hòa Nam) lại kiện cho đổ kềnh. Các ông ấy lắm chữ mà”.
Vụ việc phức tạp, suýt “phồng to”
Một số bài báo về vụ việc Hòa Nam đăng trên Báo GD&TĐ |
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cớ, trở về tòa soạn, bàn bạc với anh Quang Hiểu, tôi bắt tay vào viết bài. Báo đăng 2 kỳ liên tiếp về vụ việc Hòa Nam.
Bài đăng xong, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm bởi cứ nghĩ mọi việc sẽ được giải quyết đúng luật. Đặc biệt là lúc bấy giờ Thanh tra tỉnh Hà tây cũng đã ra thông báo kết luận số 79/TTr về vụ việc Hòa Nam, trong đó kết luận như sau: “Xét thực tế các khoản thu chi quỹ của nhà trường trong 2 năm học 1991-1992 và 1992-1993 đã lập chứng từ và theo dõi trên sổ sách đối chiếu đã khớp đúng.
Việc thu chi của nhà trường xuất phát từ mục đích chung, chưa thấy có hiện tượng tham ô.
Do vậy, Thanh tra tỉnh không qui trách nhiệm thu hồi vật chất đối với Ban Giám hiệu trường cấp I Hòa Nam và các khoản thu chi nói trên”.
Tuy vậy, ông Đình phớt lờ kết luận của Thanh tra tỉnh. Chúng tôi được nghe kể lại, ông Đình còn tuyên bố, rằng văn bản của Thanh tra tỉnh không có giá trị vì…không có dấu quốc huy (?), rằng lần sau nhà báo có về Hòa Nam thì ông sẽ sai dân quân xã chọc thủng lốp xe (?)
Vụ việc chưa có dấu hiệu chuyển biến; đặc biệt là chưa có ý kiến của UBND tỉnh Hà Tây lúc đó. Quyền Tổng biên tập Trần Đức Tam thúc giục chúng tôi: “ Làm ngay văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tây, đưa tôi ký”. Giữa lúc đó, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy vụ việc Hòa Nam đã lan rộng ra ở cấp huyện!
Số là, ngay từ đầu, Phòng GD&ĐT Hòa Nam, đặc biệt là các anh chị lãnh đạo Phòng đã dũng cảm có tiếng nói độc lập, bênh vực các nhà giáo ở trường cấp I Hòa Nam. Sau khi UBND huyện Ứng Hòa ra quyết định số 85 như đã nói ở trên thì Phòng GD&ĐT gần như bị cô lập.
Chúng tôi tìm hiểu thì được biết đã có những động thái gây khó khăn cho anh chị em trong Phòng như chậm trả lương, bất ngờ điều động Trưởng phòng đi…hộ đê! Thật cảm động là trong những ngày trường cấp I Hòa Nam bị nguy khốn, các anh lãnh đạo Phòng đã nói với chúng tôi: “Cùng lắm là chúng tôi quay trở lại cầm phấn đứng trên bục giảng. Còn hiện nay trên cương vị những người quản lí, chúng tôi càng phải có trách nhiệm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ đồng nghiệp”.
Chúng tôi lại tiếp tục liên hệ với UBND huyện Ứng Hòa, UBND tỉnh Hà Tây, Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh, Viện KSND tỉnh Hà Tây…Có thêm tài liệu, chứng cớ, chúng tôi tiếp tục viết bài, yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc Hòa Nam, trả lại xe đạp cho các nhà giáo, không được để vụ việc “phồng to” ở cấp huyện.
Sau một thời gian, Viện KSND tỉnh Hà Tây có văn bản số 494/VKS về việc giải quyết khiếu nại của Ban Giám hiệu trường cấp I Hòa Nam, trong đó khẳng định việc UBND xã Hòa Nam kiểm tra thu chi tài chính kinh tế trường cấp I Hòa Nam là không đúng thẩm quyền; việc UBND huyện Ứng Hòa ra quyết định thành lập tổ phúc tra là chưa phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước. Viện KSND tỉnh cũng nhất trí với thông báo kết luận số 79/ TTr của Thanh tra tỉnh.
Vụ việc Hòa Nam dần lắng xuống. Sau đó UBND huyện Ứng Hòa có công văn gửi UBND xã Hòa Nam chỉ đạo dừng thi hành quyết định số 85, trả lại hiện vật đã thu hồi của các cá nhân trong quá trình thực hiện quyết định số 85.
Các nhà giáo được nhận lại xe đạp, danh dự được khôi phục. Trường Cấp I Hòa Namvươn lên đứng trong tốp đầu các trường tiểu học huyện Ứng Hòa.
Thầy Nguyễn Mạnh Khuông tiếp tục làm hiệu trưởng đến lúc nghỉ hưu. Con gái đầu của thầy Khuông có lẽ vì những kỷ niệm này đã theo học nghề báo và nay cũng là một nhà báo vững vàng.