Đi chợ mùa lũ

GD&TĐ - Buổi chiều, sau giờ làm, cô bạn đồng nghiệp rủ ra phía chợ cóc gần công ty mua ít đồ về nấu nướng.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Trong lúc cả hai đang rảo bước ra phía khu chợ, cô bạn thủ thỉ: Không biết mưa gió như thế này, bà con miền Trung vùng lũ đi chợ sao ha? Không dưng khi cô bạn hỏi khiến lòng tôi dội về một cảm xúc khó tả. Quê tôi miền Trung đang oằn lưng chống lũ.

Nhớ thương năm tháng khi xưa. Lũ về. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn hoàn toàn. Nhìn đâu cũng thấy ngổn ngang bời bời, nhà cửa, cây cối chìm trong biển nước. Đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ thật đến là khổ. Nhưng năm nào cũng vậy, phải “sống chung với lũ” nên riết rồi cũng thành quen. 

Trước khi mưa lũ chưa về, phiên chợ quê được người dân họp vào ngày chẵn, cách ngày, đều đặn. Nhưng khi mưa lũ về, phiên chợ chẳng còn theo một trật tự nào. Bất kể giờ nào cũng đều thấy người ở chợ.

Nói là họp chợ như thế nhưng mọi người cũng không phải bất chấp mưa to gió lớn, hay trong lũ cuồn cuộn mà họp chợ. Chỉ khi mưa đã ngớt, lũ đã rút trong mức an toàn mọi người mới đến chợ. Người gần chợ thì men theo các gò đất, chỗ cao lội chân mà tới. Người ở xa, chỗ trũng thì dùng ghe, thuyền để di chuyển.

Đi chợ mùa lũ mặt hàng eo hẹp hơn thường ngày. Thực phẩm chủ yếu vẫn là cá, tôm người dân đánh bắt được ngay trong lũ mang ra chợ bán. Hiếm hoi lắm mới thấy các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.

Khi tới chợ, ai cũng gạt bỏ, quên đi thiên tai, khó khăn trước mắt để mưu sinh, ổn định cuộc sống thường ngày.

Khắp chợ toàn người nghèo với nhau. Nhìn mớ tôm bé xíu xiu ở cái chậu nhôm méo mó của bà cụ mà lòng đặng không cầm được nước mắt. Cụ nói, thằng cháu tranh thủ vớt được mớ tôm sau ao, mang ra chợ kiếm chút tiền đong gạo. Nghe bà cụ tâm sự ai cũng động lòng thương cho hoàn cảnh côi cút hai bà cháu ở cuối xóm.

Chỗ khác của góc chợ người ta bán la liệt đu đủ xanh, xoài xanh và dưa hấu non. Đó là hình ảnh rõ nét của hậu quả sau bão. Nhìn những trái cây non xanh mà lòng quặn thắt thương những người dân quê nghèo. Mất mát quá nhiều, họ không còn cách nào để bấu víu đành vớt vát từng chút một từ những quả xanh không đáng được bao nhiêu tiền. 

Đi chợ mùa lũ mới thấm tình người của những người dân lao động quê nghèo. Vốn dĩ tấm lòng người dân bấy lâu thơm thảo nay càng thảo thơm hơn. Cứ thế hỏi mua mà chẳng cần mặc cả, câu nệ, nhiều khi còn được tặng, cho thêm.

Người mua người bán hỏi han nhau bằng ánh mắt, cử chỉ thân tình như người thân ruột thịt. Mớ rau, cân cá ngày lũ cũng được đầy đặn hơn so với thường ngày. Tôi vẫn nhớ cô bán hàng với điệu cười xòa: “Lũ mà, ai cũng khó khăn, giúp được nhau chút nào hay chút ấy”. Nghe mà thương gì đâu.

Thấm thoắt, vậy mà gần hai chục năm đã trôi qua. Mỗi lần mùa mưa lũ về tôi lại nhớ chợ. Ký ức đi chợ mùa lũ vẫn con đó, đậm nét trong trí nhớ của tôi. Nhớ từng gương mặt khắc khổ, nét lo âu sau bão. Nhớ tiếng hò nhau khi chèo ghe, chèo xuồng. Và bất chợt, hình ảnh những trái xoài, trái đu đủ xanh, dưa hấu non ở một nơi của vùng ký ức, tôi lại đượm buồn một chút bâng khuâng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.