Đi bộ và bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Một nghiên cứu mới đây đã khám phá ra rằng việc tham gia vào một chế độ vận động thường xuyên, cụ thể là đi bộ, có thể cải thiện tích cực bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Đi bộ có thể cải thiện tích cực bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh minh họa
Đi bộ có thể cải thiện tích cực bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh minh họa
Chất lượng cuộc sống có thể giảm mạnh ở những nam giới chịu ảnh hưởng của căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và liệu trình điều trị đi kèm.Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã khám phá ra rằng việc tham gia vào một chế độ vận động thường xuyên, cụ thể là đi bộ, có thể cải thiện tích cực tình hình.
Phát hiện này không quá bất ngờ đối với các chuyên gia sức khỏe. Theo Tiến sĩ Ash Tewari, chủ nhiệm khoa Tiết niệu tại Hệ thống y tế Mount Sinai, thành phố New York thì: "Tôi rất tin tưởng vào hiệu quả của việc tập luyện đối với sức khỏe tổng thể, và như trong nghiên cứu này, là hiệu quả đối với công tác kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt".
Tiến sĩ Tewari cũng cho biết thêm phương châm của ông là ""ba dặm (khoảng 5 km) mỗi ngày sẽ giúp bạn tránh xa bệnh tật".
Trong nghiên cứu mới, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Siobhan Phillips tại Đại học Northwestern Chicago đã theo dõi kết quả của trên 51.000 người sống sót từ căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu ở Hoa Kỳ, và hoàn thành khảo sát toàn diện về chất lượng cuộc sống của họ.
Rất nhiều trong số đó cho biết họ có những vấn đề về tiết niệu và đường ruột, rối loạn chức năng cương dương và các chức năng tình dục khác, cũng như tăng cân, mệt mỏi và trầm cảm.
Những người này cũng cung cấp thông tin về thời lượng trung bình họ dành vào việc đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội và chơi thể thao mỗi tuần.
Theo kết quả nghiên cứu, ba giờ đi bộ thông thường mỗi tuần giúp tăng cường chất lượng cuộc sống sinh lý nam giới nhờ giảm mệt mỏi, trầm cảm và các vấn đề về cân nặng. Đi bộ nhanh từ 90 phút mỗi tuần cũng cung cấp các lợi ích tương tự.
Trong ấn phẩm phát hành bởi trường Đại học Northwestern, phó giáo sư Phillips tái khẳng định: "Nghiên cứu này cho thấy rằng bạn không nhất thiết phải tham gia vào các hoạt động tác động cao, mạnh mẽ để cải thiện chất lượng cuộc sống sau khi được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt".
Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng, bởi "nhiều bệnh nhân sống sót sau ung thư tiền liệt tuyến có thể cảm thấy khó khăn khi gắn bó với những hoạt động mạnh, do đó việc chỉ đơn thuần tập trung nhiều hơn vào đi bộ có thể là một tin tức tốt lành cho họ", bà nói thêm.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Tiwari cũng khẳng định: "Tập thể dục trước và sau khi điều trị ung thư tiền liệt tuyến có thể giúp tăng tốc độ phục hồi, giảm thiểu các biến chứng, cho phép phát huy tối đa tác dụng của thuốc, cũng như tăng khả năng sống sót lâu dài. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, ta cũng có thể thấy được những phục hồi sớm về chức năng tình dục ".
Tập thể dục đều đặn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích tích cực về mặt sức khỏe cho mọi người. Phillips đặc biệt nhấn mạnh đến đối tượng đã bị bệnh: "Những người sống sót sau căn bệnh ung thư vẫn có nguy cơ mắc những vấn đề sức khỏe khác cao hơn so với người thường, chẳng hạn như bệnh tim mạch. Do đó, đi bộ cũng có khả năng kéo dài cuộc sống và tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh bằng cách ngăn chặn sự tấn công của những vấn đề sức khỏe khác".
Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ