Hướng dẫn 1222 của ĐH Đà Nẵng về việc ĐBCL giáo dục đối với các học phần theo phương thức đào tạo trực tuyến (ĐTTT) nhằm khắc phục khó khăn, gián đoạn học tập của sinh viên trong thời kỳ phòng tránh dịch Covid-19.
ĐH Đà Nẵng cũng đồng thời sẵn sàng triển khai hình thức đào tạo này và đào tạo hỗn hợp (blended learning) trong thời gian đến trước xu thế đa dạng hóa phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục đào tạo.
Theo đó, để công nhận kết quả học tập theo phương thức ĐTTT, “cơ sở đào tạo phải đảm bảo các hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS) với đầy đủ công cụ học liệu, hệ thống mô phỏng thí nghiệm, thực hành…”. Các trường, đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng phải triển khai giám sát quá trình đào tạo, có hệ thống thi - kiểm tra đánh giá trực tuyến đảm bảo trung thực, khách quan theo chuẩn đầu ra (CĐR) của từng học phần; lưu hồ sơ quản lý việc dạy-học và đánh giá kết quả học tập…”.
Theo PGS.TS. Đinh Thành Việt - Trưởng ban Ban ĐBCLGD ĐH Đà Nẵng, vai trò của giảng viên trong ĐTTT được đặc biệt chú trọng, đặc biệt trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy trực tuyến, rà soát lại đề cương chi tiết học phần theo phương thức ĐTTT.
“Cơ sở đào tạo xây dựng quy định cụ thể đối với ĐTTT, đặc biệt là quy định đối với mỗi học phần về thời lượng ĐTTT (trong tuần) phù hợp để giảng viên thực hiện nhiệm vụ trên nguyên tắc đảm bảo tốt, đầy đủ các CĐR của học phần cho người học; có thể điều chỉnh, tinh giản bớt một số nội dung giảng dạy ít quan trọng trong đào tạo truyền thống nhưng phải “đảm bảo sự tương đương giữa các CĐR của học phần theo phương thức ĐTTT với phương thức tập trung truyền thống”.
Trường hợp một số CĐR học phần không thể giảng dạy theo phương thức ĐTTT thì có thể xem xét, áp dụng phương thức đào tạo hỗn hợp, dạy trực tuyến những nội dung mang tính lý thuyết và triển khai các phần thực hành, thí nghiệm khi sinh viên trở lại học tập trung” – PGS.TS Đinh Thành Việt cho biết.
Vai trò chủ động, tự giác của người học và sự gắn kết với giảng viên được nhấn mạnh. Giảng viên phải thông báo cho người học đề cương chi tiết, kế hoạch giảng dạy; khuyến khích giảng viên thiết kế học phần phát huy tính chủ động, tích cực, “lấy người học làm trung tâm”; hỗ trợ người học tương tác, thảo luận và phát triển các kỹ năng cần thiết.
Điều quan trọng là giảng viên phải triển khai tốt việc đào tạo theo CĐR, hướng tới giúp người học đạt được các CĐR của học phần cũng như của mỗi buổi học. Các CĐR của mỗi buổi học phải cụ thể, đo lường đánh giá được và góp phần hỗ trợ, giúp người học đạt được các CĐR của học phần.
ĐH Đà Nẵng cũng yêu cầu các bài thi, kiểm tra/đánh giá phải được thực hiện nhất quán với mô tả trong đề cương chi tiết học phần (theo phương thức ĐTTT), đảm bảo độ tin cậy, đánh giá được mức độ đạt các CĐR của người học.