(GD&TĐ)-Trung tâm Thông tin và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, kết quả xuất khẩu 10 tháng của ngành dệt may đạt 11,7 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ, đứng đầu trong số các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nước ta.
Ngành dệt may đã bứt phá với những thị trường mới (ảnh MH) |
Có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu này là do đơn đặt hàng ổn định, đặc biệt là những đơn hàng có giá trị cao. Trung bình, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng ngành dệt may đem về hơn 1 tỷ USD, riêng tháng 7 và 8, trung bình kim ngạch đạt trên 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra, cũng phải kể đến do xu thế chuyển dịch thị trường cung ứng hàng dệt may trên thế giới từ Đông Âu sang các nước Châu Á, trong đó Việt Nam là điểm dừng chân của nhiều nhà nhập khẩu lớn, cùng với chính sách mở cửa hội nhập kinh tế của Việt Nam đã tạo tiền đề cho ngành dệt may lập kỳ tích về xuất khẩu..
Đây là thời điểm thuận lợi để những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu.
Sự bứt phá ngoạn mục về kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may những năm qua, đặc biệt trong thời điểm khủng hoảng kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu năm 2009 đạt 9,1 tỷ USD, 2010 đạt 10,5 tỷ USD và dự kiến đạt 13,5 tỷ USD năm 2011) đã cho thấy các doanh nghiệp đã nỗ lực để nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển sản xuất từ Đông Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ…cũng như kết hợp khai thác tối đa lợi thế từ các thị trường nhỏ, thị trường mới như Cuba, New Zeland, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ
Cụ thể, ngoài thị trường truyền thống Mỹ, EU, Nhật Bản, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 10 tháng vừa qua, đã xuất hiện thêm một số thị trường mới như Anggola, New Zealan, Cuba với kim ngạch xuất sang 3 thị trường này đạt trên 12 triệu USD.
Xuất khẩu sang một số thị trường như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan tăng mạnh từ 60-135% trong 10 tháng 2011 so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thu được từ những thị trường này đang trên đà tăng trưởng mạnh. Nếu như những năm trước đây tỷ trọng chỉ chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, thì sang đến thời điểm này đã chiếm lên gần 20%.
Xuân Hương