Đeo khẩu trang đúng cách: Biện pháp tránh tổn thương phổi

Đeo khẩu trang đúng cách: Biện pháp tránh tổn thương phổi

Bởi việc đeo khẩu trang quá lâu, chất liệu bí sẽ khiến người đeo phải hít thở mạnh liên tục, gia tăng áp lực cho phổi, làm tổn thương tế bào phổi. 

Phổi trẻ nhỏ dễ bị tổn thương

Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản vừa đưa ra khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên đeo khẩu trang cho các bé dưới 2 tuổi vì điều này đã có thể tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của các em. 

Trong thông báo trên website của mình, Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản nhấn mạnh việc đeo khẩu trang cho trẻ sơ sinh có thể khiến các bé khó thở vì ống khí quản của trẻ hẹp. 

Việc khó thở sẽ khiến cho hệ thống hô hấp của bé làm việc quá sức, dẫn tới tăng nguy cơ ngạt thở. Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là trẻ nhỏ, đặc biệt là tại các trường học và cơ sở trông giữ trẻ. Do vậy, không cần thiết phải đeo khẩu trang cho các bé.

PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, khuyến cáo này hoàn toàn có cơ sở vì hệ hô hấp của trẻ rất yếu và dễ bị tổn thương. Nếu đeo khẩu trang, nhất là các loại khẩu trang quá bí, và đeo lâu, dễ làm trẻ bị ngạt thở, rất nguy hiểm. Bởi khi đeo khẩu trang, không khí lưu thông vào phổi qua đường thở bị gián đoạn, khiến người đeo phải hít thở mạnh hơn. 

Việc hít thở mạnh như vậy sẽ làm tăng lực hô hấp, khiến phổi phải căng ra để hoạt động liên tục, tạo áp lực lên phổi rất lớn. “Nó giống như một chiếc máy bơm, nếu cứ bơm với áp lực quá mạnh và bơm liên tục thì sẽ đến lúc máy bị quá tải, có thể cháy máy”, PGS.TS Phạm Văn Nho ví von.

Trẻ càng nhỏ thì phổi càng yếu, hoạt động quá tải càng khiến phổi dễ bị tổn thương. Do đó, việc đeo khẩu trang cho trẻ dưới 2 tuổi cần có sự cân nhắc về thời gian và chọn loại khẩu trang đặc thù. 

Tốt nhất là hạn chế đeo khẩu trang, không đeo khẩu trang thì có thể bảo vệ trẻ bằng việc không cho trẻ đến nơi đông người, nơi có nguy cơ mầm bệnh cao. Có thể dùng các loại khăn, mũ chụp rộng, thoáng để bảo vệ trẻ khi có việc cần ra ngoài. Sau khi ra ngoài thì nhỏ nước muối vào mũi, họng của trẻ. Phòng bệnh là cần thiết, nhưng sức khỏe của trẻ quan trọng hơn.

Đối với người lớn, việc đeo khẩu trang dễ dàng hơn, song cũng không nên quá lạm dụng và nên chọn chất liệu thông thoáng, dễ thở. Nếu cảm thấy ngạt, khó thở, khó chịu thì nên thay loại khẩu trang khác.

Chọn loại khẩu trang thoáng

Đối với trẻ lớn hơn, trẻ đã đi học mầm non hay tiểu học, việc đeo khẩu trang cũng cần được lưu ý để tránh làm tổn thương phổi của trẻ. Nên chọn loại khẩu trang vải thông thoáng, có 2 - 3 lớp, đủ để chặn giọt bắn, bụi khói, nhưng cũng không quá bí làm cản trở đường thở của trẻ. Không sử dụng loại khẩu trang quá bí như khẩu trang y tế cho trẻ nhỏ. 

Không đeo khẩu trang quá lâu trên 2 tiếng liên tục. Không cho trẻ vừa chạy nhảy vừa đeo khẩu trang. Đã có những trường hợp ngất xỉu, thậm chí là tử vong khi vừa đeo khẩu trang vừa chơi đùa chạy nhảy do không khí vào phổi bị hạn chế, phổi phải làm việc liên tục, quá mức khiến các tế bào phổi bị tổn thương, không đưa oxy kịp vào cơ thể dẫn đến tử vong.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, việc trẻ em đeo khẩu trang là cần thiết để phòng bệnh, bảo vệ cơ thể khỏi khói, bụi ô nhiễm, song cần được sử dụng đúng cách. 

Đặc biệt trong khi tình trạng ô nhiễm không khí đang nghiêm trọng ở các thành phố lớn, nhiều phụ huynh chọn mua khẩu trang N95 lọc bụi mịn để cho trẻ đeo. Tuy vậy loại khẩu trang này rất bí, đeo lâu có thể khiến trẻ bị mỏi mệt, do đó không nên lạm dụng.

Khi chọn khẩu trang cho trẻ, cha mẹ có thể thử để biết loại khẩu trang đó có thông thoáng không, có làm tắc bí đường thở của trẻ hay không. Ví dụ đối với khẩu trang vải, ngửi xem có mùi lạ của hóa chất có thể gây dị ứng hay không. Thử chụp nó vào mũi, miệng và thở. Nếu thấy không khí lưu thông bình thường thì lựa chọn. Ngược lại nếu thấy bức bí, không khí khó thoát qua lớp vải thì không nên dùng. 

Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng ở nơi có nguồn bệnh, nơi nguy cơ lây nhiễm cao, chứ không sử dụng ở những nơi khác như trường học, công viên hay khi tham gia giao thông…

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng cho rằng, việc đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ, sử dụng nước diệt khuẩn… nên là những thói quen được duy trì ngay cả khi dịch Covid-19 đi qua. Bởi trong tương lai, con người có thể đối diện với nhiều loại dịch bệnh, virus nguy hiểm khác. 

Đơn giản nhất như virus cúm mùa rất dễ lây lan, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm vắcxin hoặc sử dụng các biện pháp bảo hộ an toàn như đeo khẩu trang, diệt khuẩn tay khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, tăng sức đề kháng cho cơ thể… 

Khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì không bắt buộc phải đeo khẩu trang nữa, và cũng không lạm dụng việc đeo khẩu trang. Khi không khí trong lành, không có ô nhiễm thì hoàn toàn có thể không dùng khẩu trang để hít thở, tốt cho phổi.

Nguyên tắc để đeo khẩu trang phòng dịch theo các chuyên gia là khẩu trang càng dày, nhiều lớp, ôm khít mồm mũi (nhưng thông thoáng) càng an toàn và quan trọng nhất là chỉ sử dụng một lần trong một thời gian ngắn rồi thay ngay mới tốt, vì virus từ lớp ngoài chưa kịp dịch chuyển vào đến mặt trong của khẩu trang. 

Tuy nhiên, đó là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Còn đối với trẻ nhỏ hoặc khi cuộc sống bình thường mới đã được thiết lập thì việc đeo khẩu trang cần cân nhắc lựa chọn theo các yếu tố nêu trên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ