Đến với bài thơ hay: Ơn nghĩa bình yên!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đã có nhiều sáng tác ghi nhận, ca ngợi nghề nghiệp cao quý như nghề thầy thuốc.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Nguyễn Quang Hưng

Xanh trắng lương y

Kính tặng!

Sắc xanh sắc trắng lên đầu

Nhoà trong nắng mới đang màu chói chang

Chẳng chờ đối mặt gian nan

Chẳng mong vào lửa thử vàng từ tâm

Là đi cứu chữa bệnh nhân

Giản đơn một lẽ dân cần lương y

Thì vào sắc nhọn hiểm nguy

Để cho lành lại những gì tổn thương

Nhớ câu nhiễu phủ giá gương

Trong cơn dịch dã chung lưng một lòng

Khát xin chia với cộng đồng

Mồ hôi mệt lả gửi trong mọi người

Nhọc nhằn không kể nên lời

Xin thành tiếng gió về nơi xa gần

Để trên khuôn mặt ân cần

Dù đang khốn khó vẫn dần tươi lên

Cho tôi ơn nghĩa bình yên

Trông màu hoa mới mọc trên nắng vàng

Lương y xanh trắng dịu dàng

Nhìn theo hoa ấy mà sang bến lành.

Trong số đó, tôi rất ấn tượng với bài thơ “Xanh trắng lương y” của tác giả - nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

Bài thơ với đề từ “Kính tặng” nhằm hướng tới và tỏ lòng yêu quý, kính phục với cán bộ, nhân viên ngành y. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh và biết ơn sâu sắc đội ngũ những người thầy thuốc đã không ngừng lao động sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy mỗi khi xảy ra dịch bệnh; lúc bình thường lại ngày đêm thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: Chăm sóc, chữa bệnh cứu người.

Với hai mươi câu thơ lục bát, thi phẩm tái hiện chân dung các thầy thuốc với trang phục quy định đồng phục của ngành y, rất quen thuộc với mọi người. Mở đầu, ngoại hình các y, bác sĩ xuất hiện cùng“nhòa” trong nắng mới:

“Sắc xanh sắc trắng lên đầu

Nhòa trong nắng mới đang màu chói chang”.

Hình ảnh những y, bác sĩ với trang phục xanh và trắng xuất hiện trong không gian “nắng mới”, ban mai tinh khôi. Cả hai màu ấy cộng hưởng, gợi cảm về sự ấm áp, tươi vui. Thiên chức thiêng liêng của đội ngũ các thầy thuốc được nhà thơ khái quát:

“Là đi cứu chữa bệnh nhân

Giản đơn một lẽ dân cần lương y”.

Nhu cầu thiết thực của người dân mọi vùng miền đất nước là được quan tâm, chăm lo sức khỏe, được chữa khi bị ốm đau. Nhờ có sự chăm sóc của ngành y nói chung, các y bác sĩ nói riêng mà cuộc sống của người dân được sống trong an lành, hạnh phúc. Phục vụ nhân dân là mục đích sống, là kim chỉ nam hành động của người công tác ngành y.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Được biết nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ khi là học sinh, sinh viên đã yêu thơ, làm thơ. Anh đã từng chia sẻ: “Khi có gì thôi thúc, khi nhận thấy có thể viết gì ngay, sáng tạo ngay từ thực tiễn sôi động đang ập vào trước mặt, thì tại sao lại chậm trễ, tại sao lại chối từ cảm xúc và ý thức công dân của chính bản thân mình”.

Vì thế, những bài thơ anh viết không có lý do nào khác ngoài sự nhận thức của lý trí, sự thôi thúc của con tim. Tác phẩm của anh luôn truyền đi năng lượng tích cực đến mọi người. Bài thơ này cũng vậy, khi cảm xúc chợt đến, anh đã ghi lại ngay tiếng nói của lòng mình.

Thi phẩm giúp bạn đọc hiểu rõ thêm phẩm chất của người thầy thuốc, luôn mang trong lòng tình yêu thương người bệnh, ý chí quyết tâm vượt qua mọi thử thách để thực hiện sứ mệnh cao cả: “…vào sắc nhọn hiểm nguy/ Để cho lành lại những gì tổn thương”.

Các chiến sĩ áo trắng không nề nguy hiểm, chẳng quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đi vào vùng tâm dịch, những điểm nóng mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh để thực thi việc cứu chữa, giúp đỡ bệnh nhân.

Loài người nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng trải qua đại dịch Covid-19 chưa lâu. Như nhiều người, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng có những ấn tượng rất mạnh mẽ về cuộc chiến cam go với dịch bệnh và niềm cảm phục trước nhiều tấm gương y đức đã tận tâm, hết mình chống lại thần chết để cứu người.

Trong cuộc chiến ấy, hàng nghìn y bác sĩ đã phải rời xa cha mẹ, người thân, con nhỏ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vào các tâm dịch công tác. Cuộc chiến cam go đó đã khiến 10 y bác sĩ phải hy sinh cả mạng sống.

Thực tế có nhiều tấm gương sáng của ngành y luôn khiến mọi người trân quý, ngưỡng mộ. Ngoài các bác sĩ tài danh đã được nhiều người biết đến như các Giáo sư: Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch… còn có những tấm gương lặng thầm cống hiến.

Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), vợ con và quê ở Thái Bình nhưng suốt 30 năm đã miệt mài làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, chỉ đơn giản là mọi người rất cần bác sĩ.

Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nhà khoa học hàng đầu về huyết học, có nhiều đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa nền y học của đất nước. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một chuyên gia tim mạch hàng đầu đồng thời cũng là người có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Có những nhân viên ngành y lúc dịch bệnh khẩn cấp, dù có cha (mẹ) chết cũng đành chỉ lập bát hương bái vọng, tưởng nhớ mà vẫn không rời đội ngũ.

Chính những thiên thần áo trắng đó đã cứu giúp nhiều mẹ bầu trong giờ phút cận kề cửa tử. Chính những nàng tiên áo trắng đó đã kịp thời cứu giúp, đưa bao sinh linh bé nhỏ được làm người, ban tặng cho các sản phụ hạnh phúc được làm mẹ. Thật đúng như danh nhân Seneca có nói: “Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ, còn sự tử tế của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình”. Nhờ đó, giúp các bệnh nhân:

“Dù đang khốn khó vẫn dần tươi lên

Cho tôi ơn nghĩa bình yên

Trông màu hoa mới mọc trên nắng vàng

Lương y xanh trắng dịu dàng

Nhìn theo hoa ấy mà sang bến lành”.

Chân thành cảm ơn các thầy thuốc của nhân dân, chính các anh các chị đã giúp cho biết bao con người đau ốm được quan tâm chăm sóc; những người bệnh nặng thoát khỏi được lưỡi hái tử thần trở về cuộc sống bình an.

Bài thơ của Nguyễn Quang Hưng thêm một lần giúp bạn đọc thấy được hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền” trong tâm tưởng của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ