Đến với bài thơ hay: Hành trình 'gặt chữ'

GD&TĐ - Mái trường là tổ ấm, thầy cô là những người cha, người mẹ thứ hai của mỗi người.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Bảo Ngọc

Gặt chữ trên non

Bình minh vừa tỉnh giấc

Nắng nhuộm hồng núi xanh

Tiếng trống rung vách đá

Giục đôi chân bước nhanh

Bóng em nhòa bóng núi

Hun hút mấy thung sâu

Gió đưa theo tiếng sáo

La đà trên tán lau

Em đi tìm cái chữ

Vượt suối lại băng rừng

Đường xa chân có mỏi

Chữ vẫn gùi trên lưng

Cái chữ rơi xuống nương

Mùa cho bông trĩu hạt

Cái chữ bay lên ngàn

Rừng ríu ran chim hát

Càng đi chân càng vững

Lớp học ngang lưng đồi

Mắt em như sao sáng

Gặt chữ trên đỉnh trời

Nơi ấy có tình yêu thương ấm áp giữa thầy trò, bè bạn. Nơi ấy có kho tàng tri thức tiến bộ của nhân loại mà để chinh phục được nó đòi hỏi người học phải luôn biết cố gắng vươn lên trước mọi hoàn cảnh.

Con đường đến trường là thử thách đầu tiên. Với các em thơ nơi đồng bằng, phố thị ngày nay thì hầu hết được bố mẹ, ông bà đón đưa bằng ô tô, xe máy trên con đường trải thảm êm như lụa. Thế nhưng, đâu đó trên những vùng miền xa xôi, hẻo lánh vẫn còn rất nhiều bạn nhỏ ngày ngày phải vượt suối, băng rừng đi tìm con chữ.

Cuộc sống khó khăn thiếu thốn mọi bề nhưng khát vọng vươn lên tìm ánh sáng cho cuộc đời đã thôi thúc những đôi chân bé nhỏ không hề lùi bước. Nhà thơ Bảo Ngọc đã phác họa thành công chân dung của những đứa trẻ vùng cao thật sinh động, bản lĩnh qua bài thơ “Gặt chữ trên non”.

Tựa đề bài thơ tác giả dùng từ “gặt chữ” thay cho từ “học chữ”, đó là dụng ý đầu tiên mà tác giả muốn gửi gắm cho các bạn nhỏ nơi đây. Thầy cô là người ươm mầm, gieo chữ còn các em như những người thợ gặt, gom góp, nhặt nhạnh từng con chữ.

Đó là sự nâng niu trân trọng thành quả lao động của thầy cô. Đó là sự chuẩn bị cho mình một hành trang vững chãi để vững bước vào đời như cách mà bố mẹ các em từng mùa gặt thóc trên nương để lo cái ăn nuôi sống gia đình quanh năm, suốt tháng. Từ “gặt” hiện lên một hành trình thiết thực mà các em nơi miền sơn cước phải vượt qua để đến với nền văn minh nhân loại.

Khổ thơ đầu tiên là khung cảnh buổi bình minh vừa tỉnh giấc. Thế nhưng, xa xa tiếng trống vang đến nỗi đã làm rung cả vách đá và giục những đôi chân bước nhanh. Là tiếng trống giục hay là chính lòng khát khao con chữ giục giã đôi chân các em bước vội tới trường?

Bởi vì, giá trị của cái chữ là vô cùng, không có gì đong đếm được. Và hiểu một cách đơn giản nhất của con người ở vùng cao thì cái chữ đi đến đâu là mang ấm no, hạnh phúc đến nơi ấy:

“Cái chữ rơi xuống nương

Mùa cho bông trĩu hạt

Cái chữ bay lên ngàn

Rừng ríu ran chim hát”

Lựa chọn động từ “gặt” của tác giả đã gợi cho ta thật nhiều liên tưởng.

Con đường đến trường của các em xa đến nỗi:

“Bóng em nhòa bóng núi

Hun hút mấy thung sâu”

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Ngòi bút thật tài tình khi sử dụng hai từ tượng hình “nhòa” và “hun hút” để miêu tả độ dài miên man đến nỗi hun hút của con đường. Con đường đi học như một sợi chỉ nhỏ len lỏi giữa núi đồi gập ghềnh hiểm trở. Xung quanh là tiếng gió thổi vi vu, tiếng suối reo róc rách và tiếng chim kêu vượn hót như bản hòa ca cổ vũ tinh thần cho các em.

Con đường ấy xa đến nỗi vượt ra khỏi tầm mắt quan sát của mẹ cha đang dõi theo con từ phía cổng nhà. Những bóng dáng nhỏ bé ấy lẫn vào trong bóng núi, chỉ còn lại những vệt dài tít tắp và hun hút trong mấy thung sâu.

Ôi, con đường em đi học sao mà gian nan, xa vời đến thế. Em phải vượt qua bao nhiêu con suối, trèo qua mấy ngọn đèo làm những đôi chân bé nhỏ, non nớt mỏi nhừ rệu rã. Nhưng với lòng ham học, đức tính kiên cường, em vẫn quyết tâm đến lớp với khát khao cháy bỏng là tìm chút ánh sáng tri thức ở ngôi trường mà các thầy cô đang miệt mài ươm mầm, gieo hạt:

“Đường xa chân có mỏi

Chữ vẫn gùi trên lưng”

Đây thực sự là những tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó, sự quyết tâm và lòng kiên trì bền bỉ theo đuổi ước mơ mà tất thảy mọi trẻ em khi đến trường ở bất cứ nơi đâu cũng cần noi theo. Khó khăn nào cũng có thể vượt qua, chỉ cần ta có đủ ý chí và nghị lực. Câu thơ của tác giả thật nhẹ nhàng mà sao bài học sâu xa đến thế.

Sự quyết tâm bền bỉ càng lớn bao nhiêu thì kết quả càng ngọt ngào, mỹ mãn bấy nhiêu, nó vượt xa cả sự mong đợi của mẹ cha và thầy cô, chắp cho các em đôi cánh khỏe, vững vàng để bay đến những chân trời mơ ước. Đó là điều tuyệt vời của sự học và sáng tạo. Tác giả đã thực sự thành công khi gieo vào lòng con trẻ thứ hạt mầm niềm tin và hy vọng để tiếp cho bao thế hệ các em nguồn năng lượng tích cực vô biên.

Lớp học chỉ ngang lưng đồi mà em gặt chữ trên đỉnh trời. Ngôi trường nhỏ nơi vùng quê hẻo lánh chính là cái nôi, bệ phóng để các em bay đi thật xa đến những chân trời mơ ước, đó là một tương lai tươi sáng cho những cuộc đời biết khát khao con chữ, biết yêu thương, chắt chiu và khai sáng thêm tri thức trong cuộc hành trình không mệt mỏi của nhân loại.

“Càng đi chân càng vững

Lớp học ngang lưng đồi

Mắt em như sao sáng

Gặt chữ trên đỉnh trời”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ