Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Trương Nam Hương

Trong lời mẹ hát

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,

Lời ru vấn vít dây trầu,

Vầng trăng mẹ thời con gái,

Vẫn còn thơm ngát hương cau.

Con nghe thập thình tiếng cối

Mẹ ngồi giã gạo ru con

Lạy trời đừng giông đừng bão

Cho nồi cơm mẹ đầy hơn…

Con nghe dập dờn sóng lúa

Lời ru hóa hạt gạo rồi

Thương mẹ một đời khốn khó

Vẫn giàu những tiếng ru nôi.

Áo mẹ bạc phơ bạc phếch

Vải nâu bục mối chỉ sờn

Thương mẹ một đời cay đắng

Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

(Theo Sách Ngữ văn 8, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam)

Bài thơ có tám khổ giống như tám nốt nhạc trong bản nhạc tình mẹ. Các nốt nhạc ấy được lấy cảm hứng, cất lên từ lời mẹ hát. Đó là những lời thơ êm dịu đi theo con từ thuở còn nằm nôi: Ngọt ngào như dòng sông, rộng dài như đất nước.

Là nhà thơ thuộc thế hệ 6X, hẳn tuổi thơ của Trương Nam Hương thấm đẫm những lời ru dịu ngọt của mẹ. Như trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, Nguyễn Duy đã viết: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

Nhà thơ như sống lại với tuổi thơ khi nhớ về những lời ru của mẹ. Bên cánh võng đung đưa, qua lời mẹ ngọt ngào, có “cánh cò trắng”, có “dải đồng xanh”, có “hoa mướp” vàng, và có cả “con gà cục tác lá chanh”; có “khóm trúc”, “bờ tre”, có dây trầu vấn vít, có cả hương cau thơm ngát một thời con gái của mẹ: “Vầng trăng mẹ thời con gái/ Vẫn còn thơm ngát hương cau”.

Bằng biện pháp liệt kê, nhà thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc những hình ảnh bình dị, thân thuộc, gắn bó với cuộc sống của mẹ nói riêng cũng như cuộc sống của bao người dân thôn quê thuở ấy.

“Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh””.

Ở khổ hai và khổ ba, chất liệu ca dao được khai thác triệt để. Hình ảnh cánh cò trắng, dải đồng xanh xuất hiện trong lời ru hời của mẹ bên cánh võng đung đưa gợi cho người đọc nhớ đến bài ca dao: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng/ Chân trời biển lúa mênh mông/ Cò bay mỏi cánh sao không thấy bờ”. Hay câu thơ “con gà cục tác lá chanh” chính là trích dẫn từ bài ca dao trong lời mẹ ru thuở ấy: “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi củ riềng”.

Bên cạnh chất liệu từ ca dao, “Trong lời mẹ hát” còn gợi lên những câu chuyện của cha ông ta ngày trước. Cụm từ “lùm tre huyền thoại” luôn gợi trong tôi hình ảnh Thánh Gióng xông pha giết giặc với vũ khí là bụi tre. Đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện mẹ kể cho con, mà còn là lời nhắn nhủ về lòng yêu nước, về tinh thần anh dũng đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi. Cây tre, bờ tre bình dị mà kiên cường như người dân Việt Nam ta bao đời nay vẫn vậy. Hay hình ảnh dây trầu vấn vít lại gợi nhớ tới “Sự tích trầu cau”, gợi lên tình cảm anh em, tình vợ chồng keo sơn gắn bó.

Từ nỗi nhớ về lời ru, tác giả chuyển sang những cảm nhận về sự vất vả, gian truân của mẹ một cách rất tự nhiên. Đó là hình ảnh “mẹ một đời khốn khó”, “áo mẹ bạc phơ bạc phếch”, “mẹ một đời cay đắng”. Qua đó, nhà thơ cũng khéo léo bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn của mình đối với mẹ. Điệp ngữ “Thương mẹ một đời…” đã thể hiện rất rõ tình yêu thương, kính trọng của nhà thơ. Cả cuộc đời mẹ đã chịu bao khó nhọc, vất vả, cơ cực để nuôi con khôn lớn trưởng thành. Với tất cả lòng trân kính, Trương Nam Hương còn cho chúng ta thấy, người mẹ trong bài thơ là người luôn có niềm tin yêu vào cuộc đời, dù cuộc sống có khốn khó “vẫn giàu những tiếng ru nôi”; đó còn là người phụ nữ sống nghĩa tình, tử tế và rộng rãi, dù cuộc đời gặp bao nhiêu cay đắng thì “lời mẹ vẫn thảo thơm”. Chắc chắn, tâm hồn người con được nuôi dưỡng không chỉ từ lời hát ru của mẹ, mà còn từ cách sống, cách đối nhân xử thế của mẹ.

Ở hai khổ thơ cuối là sự chuyển đổi đột ngột từ nỗi nhớ về hiện tại. Bây giờ mẹ đã già, tóc bạc, lưng còng nhưng đó chính là minh chứng cho những vất vả, gian lao mà mẹ đã trải qua để: “Cho con ngày một thêm cao”. Từ đó, nhà thơ đi đến sự khẳng định chắc chắn về vai trò lời ru của mẹ. Lời mẹ ru có khả năng mở ra “cả cuộc đời”, tiếp thêm sức mạnh để nâng bước con trên đường đời “lớn rồi con sẽ bay xa”.

“Trong lời mẹ hát” đã để lại trong tôi những dư vị ngọt ngào về tình mẫu tử thiêng liêng. Và chắc hẳn, với độc giả nói chung, khi đọc bài thơ sẽ đều mường tượng trong kí ức của mình những hình ảnh, những kỉ niệm ngọt ngào với người mẹ kính yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bức tranh biếm họa cho thấy châu Âu đối mặt với mùa đông lạnh khi thiếu khí đốt Nga.

Giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục

GD&TĐ -Nga lại là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu vào tháng 9 nhưng đã tiếp tục chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến nguồn cung trước mùa đông hạn chế.