Vương Trọng
Hoa hậu của nhà
Nhà có ba trai: Hai con, một bố
Chỉ mình em độc đắc nữ thôi mà
Anh bạc đầu chưa qua thời nhí nhố
Cứ gọi em là hoa hậu của nhà!
Hoa hậu của nhà không đánh phấn
Quạt bếp than bén lửa, má đủ hồng
Chưa từng diện mốt áo dài, áo tắm
Áo bà ba em mặc đủ thong dong.
Thong dong đạp xe ngày mấy lượt
Tuột xích, tay em lấm vẫn cười
Đi làm về gặp nhà có khách
Chiếc làn đi chợ đợi em thôi.
Hoa hậu của nhà, ngày giỗ tết
Chẳng thích ngồi cùng phim ảnh đông tây
Tay đũa, tay muôi nấu xào dưới bếp
Tiếng mỡ xèo nổi khúc nhạc mê say!
Mâm dọn ra, chồng và con như khách
Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu
Vừa xong bữa cả nhà đi sạch
Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo.
Tất bật chưa xong đã hết Tết
Suốt mấy hôm chưa ra ngõ một lần
Vẫn vui vẻ nói cười bên bể nước
Mấy chậu đầy quần áo giặt khai Xuân!
Hoa hậu là vinh danh những người có sắc đẹp tài năng ở các cuộc thi chọn lựa qua nhiều vòng khá nghiêm ngặt.
Ở đây, nhà thơ Vương Trọng đã tặng cho mình một “Hoa hậu của nhà” cũng qua vòng thi mà ông là người chứng kiến, giám khảo và đồng cảm, yêu thương với giọng thơ tưng tửng, khá khách quan mà biết bao cảm thông cùng lối hóm hỉnh tự trào.
Mở đầu bài thơ là lời trường tình, giới thiệu hoàn cảnh gia đình:
“Nhà có ba trai: Hai con, một bố
Chỉ mình em độc đắc nữ thôi mà”
Và ông đã thừa nhận rất hồn nhiên: “Anh bạc đầu chưa qua thời nhí nhố” để rồi rất công tâm, công nhận: “Cứ gọi em là hoa hậu của nhà!”.
Ngay từ đầu, nhà thơ đã có phép quy nạp rất toán học để khẳng định một mệnh đề vợ là “Hoa hậu của nhà” để tiếp đó ông chứng minh một cách thuyết phục.
“Cô hoa hậu” đã hiện lên qua ống kính tâm hồn quay chậm của nhà thơ với những nét hồn hậu thuần phác. Đó là: “không đánh phấn” là “chưa từng diện mốt áo dài, áo tắm”. Nhưng chính cái giản dị đời thường mộc mạc chân chất ấy lại được thi sĩ khen qua sự quan sát khá tinh tế: “Quạt bếp than bén lửa, má đủ hồng” hay “Áo bà ba em mặc đủ thong dong”. Lối tung hứng uyển chuyển mà dí dỏm rất tươi tắn, sinh động này chính là cái “duyên” dẫn dắt phát triển tứ thơ.
Hoa hậu ngày thường đạp xe đi làm: “Tuột xích, tay em lấm vẫn cười”. Một vẻ đẹp chân chất yêu đời lạc quan lại sốt sắng chu đáo, tận tình, hiếu khách khi đi làm về gặp nhà có khách: “Chiếc làn đi chợ đợi em thôi” đã hiện lên một người phụ nữ Việt Nam với tất cả những phẩm hạnh tốt đẹp: Đảm đang, cần mẫn và dịu dàng biết bao.
Chúng ta vừa qua Tết Nguyên đán Giáp Thìn truyền thống của dân tộc. Trong những ngày vui Tết, ăn Tết, chơi Tết thì hình ảnh người vợ, người mẹ hiện lên trong bao hy sinh thầm lặng thiệt thòi, luôn dành hết cho gia đình, họ hàng, chồng con. Tôi rất thích cái tất bật đáng yêu “Hoa hậu của nhà” qua mấy câu thơ chất phác mà hết sức tươi tắn, tươi nồng, sinh động:
“Tay đũa, tay muôi nấu xào dưới bếp
Tiếng mỡ xèo nổi khúc nhạc mê say!”
Khúc nhạc giai điệu tình yêu công việc, tình yêu gia đình ấm áp chân tình và hết mình nội trợ. Có một phát hiện khá tinh tế độc đáo của nhà thơ nhưng thẩm thấu bao cảm thông chia sẻ, bao đồng vọng yêu thương đắm đuối khi: “Mâm dọn ra, chồng và con như khách
Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu
Vừa xong bữa cả nhà đi sạch
Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo”
Đọc đến đây tôi cũng “lặng nhìn theo” cái dáng ngồi quán xuyến của hoa hậu giữa ngổn ngang mâm bát của ngày giỗ Tết. Và đó cũng chính là niềm vui của hoa hậu khi được mọi người giao phó tin tưởng. Nhưng, “cái nhìn theo” cứ ám ảnh tôi mãi vì sự nhận diện chân dung một “hoa hậu trong nhà” và cao hơn đó là một tấm lòng đảm đang của người vợ thủy chung son sắt.
Khổ thơ cuối khép lại, ta bắt gặp cái nhìn hóm hỉnh mà cũng rất cảm thông để mà biết ơn của nhà thơ khi:
“Tất bật chưa xong đã hết Tết
Suốt mấy hôm chưa ra ngõ một lần
Vẫn vui vẻ nói cười bên bể nước”
Và bất ngờ thay một vẻ đẹp thanh tân trong lành tinh khiết của hoa hậu bên “Mấy chậu đầy quần áo giặt khai Xuân!” – Một mùa Xuân ấm áp tình người của hạnh phúc gia đình bền vững.