Đến với bài thơ hay: Lời nhắn nhủ yêu thương

GD&TĐ - “Bài hát tới trường” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là bài thơ chứa nhiều thông điệp ý nghĩa dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Trọng Tạo

Bài hát tới trường

Bố mẹ đi làm

Ta đi học nhé

Áo quần sạch sẽ

Bầu trời trong xanh

Giữ gìn bàn chân

Đừng quên đôi dép

Giữ gương mặt đẹp

Nhớ đừng giận nhau

- Thước kẻ bạn đâu?

- Ở trong cặp sách

- Cây bút bạn đâu?

- Ở trong cặp sách

- Lọ đầy mực viết

- Thì ở trên tay

- Còn bài thơ hay

- Ở ngay dưới mũ!..

Bạn bè đông đủ

Không thiếu một ai

Con đường thì dài

Đôi chân thì ngắn

Thời giờ nghiêm lắm

Chẳng thích rong chơi

Nhưng mà bạn ơi

Xin đừng chạy vội

Có đoàn có đội

Tới trường cùng nhau

Ai tụt lại sau

Chạy mau cho kịp

Mỗi câu thơ là một lời căn dặn hết sức nhẹ nhàng và tinh tế, thể hiện sự thấu hiểu, quan tâm và tình yêu thương vô hạn mà người viết dành cho các bé.

Bài thơ không chỉ là lời nhắc nhở về những hành trang mà bé cần chuẩn bị khi tới trường như áo quần sạch sẽ, giày dép gọn gàng và dụng cụ học tập như sách vở, bút thước đầy đủ mà còn là những lời nhắn nhủ yêu thương về việc rèn giũa những đức tính quý báu và tâm hồn hướng đến cái thiện, cái đẹp để gặt hái được thành công trên bước đường đời.

Chỉ với hai câu thơ bốn chữ mà thông điệp về văn hóa ứng xử với mọi người xung quanh dành cho bé thật sâu sắc:

“Giữ gương mặt đẹp

Nhớ đừng giận nhau”

Tâm lí của trẻ con là hồn nhiên, đáng yêu, thích được mọi người khen ngợi nhưng lại hay dỗi hờn mỗi khi không bằng lòng điều gì đó. Tác giả đã khéo léo vận dụng đặc điểm này để nhắc nhở các bé rèn luyện đức tính ôn hòa, nhẫn nhịn, bao dung với bạn bè để giữ gìn đoàn kết.

Cử chỉ nhăn nhó trên gương mặt, khóc lóc ỉ ôi hay có những hành vi nóng nảy khi không bằng lòng với một người nào đó sẽ làm cho gương mặt bé mất đi vẻ đáng yêu và xinh đẹp đấy bé ạ. Đến đây, hẳn là bé biết mình phải làm gì để giữ cho gương mặt mình luôn luôn đáng yêu trong mắt mọi người rồi chứ.

Còn khi nói đến ý thức, thái độ với việc học của các bé thì:

“Lọ đầy mực viết

Thì ở trên tay

Còn bài thơ hay

Ở ngay dưới mũ”

“Lọ đầy mực viết” - hình ảnh ẩn dụ, đó là sự kiên trì, bền bỉ, khéo léo của những ngón tay khi bé nắn nót từng con chữ. Nó sẽ vẽ lên trang giấy những dòng chữ đẹp hết ngày này qua ngày khác không bao giờ cạn. Chỉ cần bé có niềm đam mê, thích thú với sự học mà thôi.

Rồi tác giả ngầm chỉ ra cho các bé mọi kiến thức, thông minh, tìm tòi sáng tạo đều ở trong đầu bằng hai câu thơ: “Còn bài thơ hay/ Ở ngay dưới mũ”, để tạo ra sự hứng thú, tò mò cho các bé. Bài thơ hay có thể do bé viết ra hay học thuộc từ trang sách cũng giống như mọi tri thức khác mà bé học từ thầy cô và sách vở đều do sự thông minh, chăm chỉ sáng tạo của não bộ nằm trong đầu của bé.

Một điều quan trọng dẫn đến thành công trong quá trình học tập là hàng ngày bé phải đến lớp chuyên cần và đúng giờ giấc, tác giả cũng không quên mà nhắn gửi rằng:

“Con đường thì dài

Đôi chân thì ngắn

Thời giờ nghiêm lắm

Chẳng thích rong chơi”

Nghệ thuật tương phản và ẩn dụ làm tăng sự chú ý, lo lắng cho việc học ở các em. Con đường đến trường thì xa mà đôi chân thì ngắn, thời gian lại cứ vụt trôi theo quy luật nên bé phải đi học cho đúng giờ và nghiêm túc, nếu la cà, rong chơi trên đường là sẽ muộn học đấy bé ạ.

Con đường ở đây còn nói lên hành trình chinh phục kho tri thức bao la, vô tận của nhân loại là một quá trình lâu dài, nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự cố gắng vươn lên mà mỗi chúng ta thì nhỏ bé, hữu hạn nên các bé phải kiên trì, bền bỉ theo đuổi ước mơ cho tới cùng. Sự sao nhãng, lười biếng sẽ chẳng bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp đâu bé nhé. Và để việc học đạt được kết quả tốt nhất, người viết còn trong dặn dò thêm:

“Nhưng mà bạn ơi

Xin đừng chạy vội

Có đoàn có đội

Tới trường cùng nhau

Ai tụt lại sau

Chạy mau cho kịp”.

Muốn việc học thực sự là một điều thú vị, mang đến niềm vui và hiệu quả thì bé nhớ đừng vội vã, hấp tấp mà hãy đi cùng bè bạn. Còn nếu ai đó vì đi chậm mà thụt lại phía sau thì nhớ chạy mau cho kịp. Đây vừa là nghĩa đen vừa là nghĩa bóng. Tụt ở đây dù là về khoảng cách trên đường đi hay trong quá trình học tập tri thức thì bé đều phải nỗ lực để theo kịp bạn bè, để không lạc lõng cô đơn trên hành trình gặt chữ, để thầy cô và bố mẹ được yên lòng.

Một bài thơ sử dụng ngôn ngữ đời thường, bình dị nhưng lại ẩn chứa nhiều hàm ý sâu xa lôi cuốn người đọc thích thú và suy ngẫm, rồi tự rút ra cho mình bài học quý báu về những đức tính tốt đẹp cần rèn luyện ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng dành cho việc học tập và rèn luyện dưới mái trường. Đó quả là điều tuyệt vời nhất mà thơ ca khát khao hướng đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ