Nơi tiềm ẩn rủi ro
Young June Choe, bác sĩ nhi khoa và đồng thời là nhà dịch tễ học tại Đại học Hallym (Chuncheon, Hàn Quốc) cho biết, trường học là nơi tiềm ẩn rủi ro trong thời buổi dịch bệnh. Theo ông, trẻ em thường bị “nhồi nhét” trong những căn phòng chật chội suốt tám tiếng đồng hồ hoặc hơn. Nhà chúng ở khắp nơi trong thành phố. Một số thì đến trường bằng phương tiện công cộng, số khác được cha mẹ đưa đón.
Ở những nơi dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng, các trường học và trại hè đã trở thành một ổ dịch thực sự. Virus đã quét qua một trại hè ở bang Georgia (Mỹ) vào giữa tháng 6. Trong ngày đầu tiên của trại, bang Georgia đã báo cáo 993 trường hợp mắc Covid-19 mới. Các trại viên ngủ trong cabin theo nhóm lên đến 26 người, không đeo khẩu trang, hát hò, cổ vũ mỗi ngày. Kết quả là 3/4 trong số 344 người tham gia xét nghiệm đã dương tính với SARS-CoV-2.
Một ổ dịch lớn khác được phát hiện tại một trường trung học ở Jerusalem (Israel), 10 ngày sau khi tất cả các trường mở cửa trở lại vào giữa tháng 5. Nước này ghi nhận khoảng 127 trường hợp dương tính mỗi ngày vào đầu tháng 5 - tương đương với 15 trường hợp trên một triệu người, khi các em học sinh bắt đầu đi học trở lại. Thời điểm đó, nhiệt độ nước này đã vượt quá 40°C, các thanh thiếu niên ngồi trong phòng máy lạnh với hơn 30 bạn học khác mà không đeo khẩu trang.
Do vậy, để học sinh đến trường an toàn, cùng với các hoạt động học tập thì khâu chống dịch phải rất được chú trọng. PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, trước đây ở Hàn Quốc để đối phó với dịch bệnh mà vẫn bảo đảm học sinh đến trường, họ thực hiện vệ sinh trường học nghiêm túc.
Tại các trường học trên khắp Hàn Quốc, trẻ em ăn trưa trong im lặng, trước mặt là một tấm chắn nhựa ngăn cách chúng với bạn bè. Chúng mang khẩu trang mọi lúc, chỉ trừ lúc ở sân chơi – nhưng vẫn phải giữ khoảng cách an toàn. Chúng cũng được kiểm tra nhiệt độ hai lần mỗi sáng – một lần ở nhà và lần nữa ở trước cổng trường. Để mở cửa trường học một cách an toàn thì chìa khóa chính là sự thận trọng trong việc giữ vệ sinh và hạn chế tối đa tiếp xúc gần – điều này sẽ giúp giảm thiểu mức độ lây lan của virus trong cộng đồng.
Đeo khẩu trang là cần thiết
Với diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay thì học sinh đến trường phải đeo khẩu trang là cần thiết để phòng bệnh. Loại khẩu trang nào phù hợp cho trẻ sử dụng cả ngày mà không cảm thấy bức bí? PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, trẻ có thể sử dụng khẩu trang vải vừa vặn khi đến lớp, cha mẹ chuẩn bị cho con khoảng 3 - 4 chiếc khẩu trang để thay mỗi ngày học. Loại khẩu trang sử dụng giấy vệ sinh để làm lớp lót ở giữa, khả năng gây ra dị ứng là rất cao, vừa không bảo vệ được sức khỏe, lại vừa có nguy cơ rước thêm bệnh do các bụi giấy phát tán nên tuyệt đối không cho trẻ dùng. Cha mẹ nếu cho con dùng khẩu trang y tế thì nên mua loại đúng chuẩn.
Do đặc tính và khả năng phòng bệnh của từng loại khẩu trang khác nhau, nên việc sử dụng khẩu trang trong phòng bệnh cũng phải phù hợp. Khẩu trang y tế giúp bảo vệ người lành, ngăn ngừa các bệnh lây truyền trực tiếp nhưng không ngăn được các bệnh lây truyền qua không khí. Nên nhớ là khẩu trang này làm bằng vải không dệt nên chỉ dùng được một lần. Dùng khẩu trang vải sẽ có độ thoáng khí tốt hơn, nhưng nên thay sau mỗi 2 tiếng sử dụng. Các loại khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường hiện rất phong phú. Nên chọn loại có thiết kế lưu thông khí, giúp trẻ không bị khó thở khi dùng khẩu trang cả ngày.
“Nếu cha mẹ có điều kiện thì nên mua cho con khẩu trang diệt khuẩn để bảo vệ an toàn. Bởi đây là khẩu trang có thể diệt được virus. Cha mẹ không nên dùng vải tự may khẩu trang cho con. Bởi loại khẩu trang được làm từ vải đặc dụng, vừa có tác dụng ngăn ngừa virus vừa thông thoáng, dễ thở. Loại vải thông thường sẽ rất bí, trẻ sẽ khó thở, thậm chí sẽ thiếu oxy nếu phải sử dụng loại khẩu trang tự may này”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho hay.
Bình nước uống, đồ dùng riêng
PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho hay, khi trở lại trường, học sinh cần được đeo khẩu trang đầy đủ. Kết hợp sát khuẩn tay, đồ dùng, thì chỉ cần ngồi giãn cách 0,5m là đủ ngăn giọt bắn. Vào giờ giải lao thì cần đứng cách xa nhau 1,5m khi nói chuyện, giao lưu. Nên trang bị cho mỗi em một lọ cồn hoặc dung dịch sát khuẩn riêng. Không dùng chung cả lớp 1 lọ để tránh lây lan. Mỗi em nên trang bị một bình nước uống riêng, không dùng chung cốc chén ở lớp. Sau khi đi vệ sinh thì bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng rồi xịt khuẩn cá nhân.
Ngoài ra, lớp học phải được lau diệt khuẩn sau mỗi buổi học. Tay nắm cửa nhà vệ sinh, cửa lớp học cần được khử khuẩn ít nhất 3 lần mỗi ngày. Hoạt động học tập có thể vẫn diễn ra bình thường nhưng tốt nhất không nên áp dụng hình thức học bán trú. Tốt nhất là không ăn uống tại trường, học xong bố mẹ nên đón về nhà luôn để ăn uống, sau đó trở lại trường nếu cần thiết.
Trong khi chưa công bố hết dịch thì tốt hơn cả chỉ học 3 buổi/tuần. Các địa phương kiểm soát dịch tốt thì mới nên học kín lịch. Nhân dịp này cũng nên hình thành nếp vệ sinh mới, bảo đảm vệ sinh phòng các bệnh khác và mỗi trường học cần được giám sát y tế tốt nhất.
Trường học cần mở cửa thông thoáng, bảo đảm có ánh sáng và có gió vào phòng học. Tuyệt đối không đóng kín cửa bật điều hòa, vì đây chính là điều kiện lý tưởng để virus lây lan.