Trong khi bình quân GDP cả nước là 7,1% thì vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD, là vùng cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước, có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của quốc gia
Tuy nhiên, những năm qua, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân ĐBSCL. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, phát triển các đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển KT – XH toàn vùng.
Quýt lai Vung, đặc sản nổi tiếng của ĐBSCL (Internet) |
Việc phát triển kinh tế với cường độ cao, gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề cùng với việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Trong Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đưa ra 3 mốc giai đoạn phát triển cho khu vực này: Đến 2020, ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở, thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế. Từ năm 2021 - 2030: Triển khai các mô hình kinh tế đã thí điểm thành công. Tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển và huy động nguồn lực.
Từ năm 2031 - 2050, định hướng đến năm 2.100: Phát huy hiệu quả và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án, để đến năm 2050, ĐBCL trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, có trình độ phát triển khá so với cả nước về tổ chức xã hội, kinh tế và mạng lưới hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu,điều kiện tài nguyên nước và an toàn trước thiên tai.