Sáng 29/7, UBND TPHCM đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế, giám đốc các bệnh viện trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng đồng ý cho TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm mô hình tiêm phù hợp với điều kiện và tình hình phòng, chống dịch của địa phương. Mục tiêu là cuối tháng 8, khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh có hơn 6,9 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, tổng số liều vắc xin cần có để tiêm đủ 2 mũi cho những người này là gần 14 triệu liều. Đến nay, TPHCM được phân bổ hơn 3,1 triệu liều (22,77%). Hơn 1,3 triệu liều vắc xin đã được sử dụng. 18,8% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1.
Ngày 29/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, về tiêm chủng, từ ngày 22/7 đến 27/7, chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vắc xin phòng Covid-19 tại TPHCM đã tiêm được cho khoảng 300.000 người.
Với việc xác định phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Y tế phân bổ tăng thêm lượng vắc xin, đơn giản hóa quy trình và đội hình để tiêm được nhiều người.
Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức tiêm vaccine từ 18 giờ đến 6 giờ trên địa bàn phường, quận với số lượng người cụ thể, có quy định, nhận diện cụ thể để người dân có thể ra đường đi tiêm sau 18 giờ.
Trong quyết định Bộ Y tế vừa ban hành về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế lưu ý, trước khi tiêm chủng, người đi tiêm cần lưu ý chuẩn bị 5 điều sau: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.
Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.
Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.
Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; các bệnh mạn tính đang được điều trị; các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.
Người đi tiêm cũng nên cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.
Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vắc xin trước.
Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc Covid-19 (nếu có); các loại vắc xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ); Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế: Thông tin liên quan đến vắc xin phòng Covid-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo; Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí; cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.