Đến cơm cũng biết yêu thương!

GD&TĐ - Ngày trước, lũ trẻ quê tôi hay dùng cơm xay nhuyễn để dán vở, dán sách và dán cả giấy khen lên tường. Chúng nghiệm ra, cơm ngoài tác dụng nuôi dưỡng mình, còn có tính chất như keo, có thể liên kết nhiều thứ.

Quán cơm “Kết nối yêu thương” được thành lập từ tháng 6/2016.
Quán cơm “Kết nối yêu thương” được thành lập từ tháng 6/2016.

Và quan trọng hơn, cơm có thể là chiếc cầu nối của tình yêu, cũng có thể là chất keo kết nối tình người. Khi người ta không tiện cầm tay nhau để nói rằng “tôi thương bạn”, thì người ta có thể dùng cơm để người khác cảm thấy ấm lòng giữa những lạnh lẽo dòng đời; được cảm thấy ủi an giữa những thờ ơ vô cảm.

Đã có nhiều người trong chúng ta làm được những điều dù rất nhỏ, nhưng đầy phi thường. Họ đã biết dùng trái tim để yêu thương con người, dùng cơm bánh để nuôi dưỡng người khác. Họ luôn hướng về người nghèo, để sẻ chia những cơ cực.

Từ cơm 5 nghìn

“Chỉ khi chúng ta thực sự mở lòng để nhìn thế giới bằng một trái tim yêu thương, thì mới thấy rằng trách nhiệm của chúng ta là phải giúp đỡ những người xung quanh. Đến những hạt cơm còn biết kết dính vào nhau, thì tại sao con người lại không biết yêu thương, đùm bọc nhau”.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ quán cơm “Kết nối yêu thương”

Đã nhiều năm nay, tại TP Hải Phòng có một quán cơm buổi trưa nào cũng chật kín người. Thực khách kéo đến là những người lao động nghèo, họ có thể là dân xây dựng, bà đồng nát, chị bán rau… Họ yên tâm làm lụng, để mỗi bữa chỉ cần bỏ ra 5 nghìn đồng để ăn một bữa cơm đủ no, đủ dinh dưỡng.

Quán cơm ấy ở số 4A phố Phạm Bá Trực, phường Quang Trung (Hồng Bàng). Chiếc bảng lớn cũng là tên của quán: Kết nối yêu thương. Phía trong chỉ đủ kê 8 chiếc bàn nhỏ, bởi vậy thực khách phải đến từ sớm hoặc có thể mua theo suất mang về ăn. Quán mở cửa từ thứ Hai đến thứ 7 và ngày nào cũng vậy, rất đông người lao động nghèo xếp hàng chờ tới lượt.

Với 5 nghìn đồng thì có gì để ăn? Đó là câu hỏi của nhiều người trên phố. Với 5 nghìn đồng bây giờ, có thể chẳng mua được thứ gì có giá trị. Nhưng, tại quán cơm “Kết nối yêu thương”, thì 5 nghìn đã đủ cho một suất cơm, mà các quán khác đang bán ít nhất cũng phải 20 nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, chủ quán cơm “Kết nối yêu thương”, chia sẻ với chúng tôi: “Tôi và chị gái có ý tưởng mở quán cơm này kể từ khi đọc báo thấy ở một số tỉnh, thành có quán cơm 2 nghìn đồng, 5 nghìn đồng/suất để giúp đỡ người lao động nghèo.

Tôi cảm thấy việc làm này không chỉ thiết thực mà còn phù hợp với hoàn cảnh. Thế là tôi đã bàn với chị gái hiện đang làm ăn bên Đức về ý tưởng mở quán và được chị tôi ủng hộ. Ngày 1/6/2016, quán cơm thiện nguyện được thành lập.

Thời gian đầu, để có người giúp việc đi chợ, nấu nướng và phục vụ cơm cho khách, chị em tôi thuê 3 người phụ quán. Thời gian sau, biết việc làm của chúng tôi, nhiều tình nguyện viên đã đến cùng đồng hành, trong số đó, đa số là các bạn trẻ, là đoàn viên các trường trên địa bàn”.

Tiếng lành lan xa, hầu hết những người lao động nghèo ở thành phố Hải Phòng và vùng lân cận đều biết đến, họ coi đây như gia đình mình, là một mái nhà chung đầy yêu thương. Có những chị đồng nát, ngày vắng hàng thì đến đây phụ nấu ăn; hay có những bác phụ hồ, ngày mưa phải nghỉ việc cũng đến chung tay chung việc.

Bác Tâm, làm nghề đồng nát và cũng là khách của quán, tâm sự: “Phải bỏ ra 20 nghìn ăn một suất cơm là việc cực chẳng đã. Bây giờ, tôi đã có thể bớt ra mỗi ngày 15 nghìn để phụ thêm tiền thuốc cho chồng”.

Cầm hộp cơm trên tay, cháu Vũ Thị Thu Hiền, 11 tuổi học tại Lớp học tình thương nhà thờ Chính tòa thuộc Giáo phận Hải Phòng chia sẻ: “Quán cơm kết nối yêu thương như ngôi nhà thứ 2 của cháu, cứ mỗi buổi trưa, sau khi tan học chúng cháu lại sang ăn cơm. Cháu cũng rất thích phụ giúp các cô ở đây phát cơm cho mọi người”.

Chị Dung chủ quán cơm cho biết, bố mẹ Hiền làm nghề chài lưới, cuộc sống quá khó khăn nên gửi cháu vào học tại lớp học tình thương của nhà thờ. Hằng ngày, mỗi khi tan học, cháu thường ra khá sớm giúp các cô chú ở đây chuẩn bị thức ăn cho mọi người.

Các anh chị em của quán còn thường xuyên đến các trung tâm điều dưỡng người tâm thần để phát quà, phát cơm.
Các anh chị em của quán còn thường xuyên đến các trung tâm điều dưỡng người tâm thần để phát quà, phát cơm.

Đến cơm 0 đồng

Theo chị Dung, hồi quán mới mở, mỗi ngày chị nấu khoảng gần 100 suất cơm. Bây giờ thì tăng lên nhiều, có những ngày trên 200 suất mà vẫn không đủ.

Sau hơn 4 năm hoạt động, cơm yêu thương đã đến với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng chị Dung nhận ra, nếu chỉ một mình chị làm thì sẽ không thể đảm đương được lâu. Tất cả là nhờ chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm xa gần, và lời động viên của mọi người.

Không chỉ nấu cơm với mỗi suất 5 nghìn, quán cơm “Kết nối yêu thương” còn nấu các suất cơm miễn phí để phát cho những số phận đặc biệt, những người cô đơn không nơi nương tựa. Đồng thời, quán cơm cũng đến với các bệnh viện để làm công tác thiện nguyện như: Phát cơm, phát cháo, bún, miến, bánh cho các bệnh nhân.

Hàng tháng, nhóm thiện nguyện còn tổ chức phát cơm, phở miễn phí tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần huyện Vĩnh Bảo, hỗ trợ tiền và vật chất cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trong thành phố và các em nhỏ mồ côi.

Hành động cao cả của chị Dung và nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương thực sự có tiếng vang, làm nhiều người xúc động. Từ đó, nhóm đã có thêm các tình nguyện viên, có thêm các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất. Số tiền các “mạnh thường quân” giúp đỡ đều được công khai rộng rãi, và trích tiền trong đó để xây nhà tình nghĩa.

“Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được gần 90 ngôi nhà và vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho nhiều hộ gia đình khác. Nếu như không có sự chung tay của các nhà hảo tâm, chúng tôi không thể làm được điều này”, chị Dung cho biết.

Nhiều đoàn viên là học sinh, sinh viên địa phương cùng đến giúp quán phát cơm.
Nhiều đoàn viên là học sinh, sinh viên địa phương cùng đến giúp quán phát cơm.

“Cơm chống dịch”

Vừa qua, khi Hải Phòng thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, chị Dung và các anh chị em của quán Kết nối yêu thương đã họp bàn để cùng nhau chống dịch.

Thay vì tụ tập đông người, quán cơm quyết định thực hiện giãn cách bằng việc phát cơm miễn phí để đem về nhà. Khách đến lấy cơm được phát thêm khẩu trang, cồn sát khuẩn để có thể đem về nhà cho người thân sử dụng nếu chưa có, hoặc phát lại cho người nào đó trên phố.

Đặc biệt, từ ngày đầu thực hiện giãn cách chống dịch Covid-19, chị Dung và các anh chị em đã tăng cường các suất ăn dành tặng nhân viên y tế, cán bộ trong đội ngũ phòng chống dịch. Mỗi ngày, hàng trăm suất ăn đầy đủ dinh dưỡng được các trẻ đưa đến tận các nơi mà cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, gần 90 căn nhà được quán cơm “Kết nối yêu thương” kêu gọi xây dựng.
Đến nay, gần 90 căn nhà được quán cơm “Kết nối yêu thương” kêu gọi xây dựng.

Để đảm bảo an toàn mùa dịch, chị Dung cho rằng chính các bạn trẻ là đoàn viên thanh niên đã góp nhiều sức lực để cơm yêu thương đến với mọi người. “Các đoàn viên là những người thực hiện tốt nhất các biện pháp ngăn ngừa dịch, cho nên quán cũng yên tâm khi được các bạn chuyển cơm yêu thương đến các cơ sở đang thực hiện cách ly”, chị Dung cho hay.

Sau hơn 4 năm hoạt động, 4 năm đến với các hoàn cảnh nghèo khó đã cho chị Dung và nhóm thiện nguyện thấy rằng, còn quá nhiều người, nhiều số phận nghiệt ngã cần được giúp đỡ, chia sẻ về vật chất, an ủi về tinh thần.

Cho nên, mỗi chuyến đi phát cơm là mỗi lần nhóm thiện nguyện mở rộng tấm lòng sưởi ấm những hoàn cảnh, những con người. Như lời chị Dung nói: Thấu hiểu mọi hoàn cảnh nghiệt ngã, không hẳn để cung ứng cho họ về vật chất, nhưng ít nhất để cầm lấy tay nhau, trao cho nhau tình thương và gắn kết tình người với nhau.

Ngày 10/3, đại diện quán cơm “Kết nối yêu thương” cho biết: Sau khi quán chia sẻ kêu gọi xây sửa mới điểm Trường Mầm non Mào Phố, xã Sủng Cháng (Yên Minh - Hà Giang), có một nhà hảo tâm giấu tên đã ủng hộ toàn bộ kinh phí 180 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.