Đến Campuchia ăn côn trùng rán

GD&TĐ - Từ bao đời nay, người Campuchia vẫn xem côn trùng là món ăn ngon, gần gũi với đời sống thường nhật.

Gian hàng côn trùng rán trong chợ
Gian hàng côn trùng rán trong chợ

Độc đáo chợ côn trùng

Đến với Campuchia, hình ảnh quen thuộc mà du khách thường thấy đó là ẩm thực đường phố: côn trùng rán. Trên các trạm dừng chân, điểm du lịch, chợ truyền thống, đều không thể thiếu những món ăn từ côn trùng. Nó được người dân bày biện trên mâm rồi mang đi chào mời du khách.

Ai chưa từng ăn sẽ thấy kinh hãi, nhờn nhợn nhưng nếu đã thử qua rồi thì không bao giờ quên hương vị đặc trưng của nó: béo ngậy, giòn tan. Thậm chí các chuyên gia ẩm thực phương Tây còn thừa nhận những món ăn này vừa ngon lại tốt cho sức khỏe với nhiều chất xơ, protein và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn thịt.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay, trên thế giới có trên 2 tỷ người ăn côn trùng. Có ý kiến cho rằng, xu hướng ăn côn trùng trên thế giới có nguồn gốc từ thói quen bình dị của người Campuchia. Đó là lý do khách phương Tây qua Campuchia du lịch thường thưởng thức món ăn đường phố này với tâm lý rất sảng khoái, thích thú.

Thức ăn từ côn trùng quan trọng với người dân Campuchia đến mức ở thị trấn Skun thuộc tỉnh Kampong Cham (cách thủ đô Phnom Penh khoảng 70km) có chợ côn trùng Skun (hoặc Skuon) rất nhộn nhịp.

Chợ Skun bán đa dạng các loại côn trùng, nào là dế cơm, dế nhũi, rít, bọ cạp, nhộng kiến, nhộng tằm, ong, cà cuống, nhền nhện… Chúng được chiên rán, nướng, ngâm rượu với cách ướp gia vị khác nhau.

Đặc biệt, chợ còn chuyên xuất khẩu các món côn trùng sang các nước như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Du khách đến Campuchia tìm đến chợ không chỉ để ăn thử cho biết mà để lý giải cho câu hỏi “Vì sao mà người Campuchia mê mẩn với những món ăn từ côn trùng?”.

Nhìn tổng thể, chợ côn trùng Skun khá giống các ngôi chợ truyền thống của Việt Nam. Diện tích khoảng 5.000m², không gian thoáng đãng.

Xung quanh chợ là những gian hàng trái cây và quán nước giải khát. Nhà lồng chợ thì dành để bán hàng côn trùng. Khi đến gần ngôi chợ này, du khách đã có thể cảm nhận một mùi hương đặc trưng kích thích bao tử tột độ nhưng nhìn thấy thì sẽ e dè.

Giá cả các món ăn cũng không quá đắt, chỉ cần vài chục ngàn là có thể mua được vài món ăn lạ miệng (mùa nước nổi giá rẻ hơn một chút vì côn trùng dễ bắt). Món ăn thử thách sự sợ hãi du khách nhiều nhất là món nhện hùm chiên hay xào. Nhện toàn thân màu đen, to với 8 chân dài lông lá. Nhện được rửa sạch, rút ruột (có khi nhét đậu phộng), ướp gia vị đặc trưng rồi đem chiên giòn.

Phổ biến hơn cả là món nhện xào vừa bùi vừa ngậy, thường có mặt trong nhiều bàn nhậu. Món được du khách thích thú nhất là cà cuống rán, vì gần gũi với ẩm thực Việt Nam.

Nhộng rán
Nhộng rán
Nhền nhện rán

Nhền nhện rán

Cách bắt thủ công

Những côn trùng như nhền nhện, cà cuống, trứng kiến, ve sầu, dế cơm, nhộng ong, châu chấu, rết… được người dân bắt trong môi trường tự nhiên nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không phải là côn trùng sống trong môi trường nuôi nhốt. Đây cũng là cách tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân Campuchia.

Vào thời điểm nông nhàn, họ đi săn nhện hùm ở những hang, hốc bằng cách dùng cuốc thuỗng nhỏ đào. Công việc khá là cực nhọc vì phải đào sâu, thêm nữa là nhện có độc. Cần phải bắt thì khi bán mới có giá cao. Một con có thể bán được 1.000 Riel (khoảng 5.000 đồng). Hoặc người dân tự tay bắt, tự chế biến rồi mang đi bán dạo.

Trên các con đường du khách đi qua, nếu thấy hình ảnh một hồ nước nhỏ, phía trên dựng một tấm nylon trắng cùng với bóng đèn thì đừng quá bất ngờ, đó là cách bắt dế truyền thống của người bản địa. Cà cuống, ve sầu, châu chấu… cũng có những cách bắt thủ công tương tự vậy.

Trên những cánh đồng phủ xanh màu mạ, sau những buổi tan học, trẻ em dùng những chiếc hộp nhựa to để bắt bọ nước khổng lồ. Công việc khá nhàn nhã nhưng phải tinh mắt để tìm những chú bọ nước đang ẩn trong đám mạ non tươi tốt. Cũng cần phải thận trọng để không giẫm phải mạ của người ta. Nếu làm tốt việc của mình, nửa buổi, trẻ em có thể thu nhập khoảng 10.000 Riel (khoảng 50 ngàn đồng).

Sau buổi săn bắt, các em mang đi bán cho thương lái để có tiền ăn quà bánh hoặc giúp ba mẹ trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà. Do săn bắt theo phương pháp thủ công truyền thống, cộng thêm việc người dân ý thức bảo vệ môi trường nên nguồn côn trùng trong tự nhiên ở Campuchia dồi dào, không phá vỡ lưới thức ăn sinh học.

Đến vương quốc Campuchia, hãy thử trải nghiệm cảm giác lạ khi dùng côn trùng rán, nó không đáng sợ như nhiều người nghĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ