Tăng cường quản lý sau khi cấp GPLX
Nhằm chuẩn bị cho Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự luật được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua. Trong đó, Bộ Công an cho biết sẽ bổ sung quy định điểm, trừ điểm GPLX.
Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho GPLX, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX. Dự kiến mỗi người sẽ có 12 điểm/năm. Quy định này được đánh giá tích cực, giúp nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, đồng thời là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Bộ Công an cho rằng tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông hiện nay diễn ra rất phổ biến; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Tính trung bình hàng năm, lực lượng CSGT xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm.
Dù tai nạn giao thông đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Mặt khác, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX hiện nay bị buông lỏng. Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
“Việc đưa ra quy định này trong dự thảo là kết quả của quá trình nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông…”, Bộ Công an nêu rõ.
Bộ Công an lưu ý, cần hiểu trừ điểm GPLX xe sẽ là một biện pháp quản lý Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Qua đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm.
Từ đó tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Về việc trừ điểm đối với các lỗi hành vi, Bộ Công an cho biết khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao. Mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu quy định cụ thể, đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi số điểm ban đầu.
“Việc này không tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân, vẫn quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…”, Dự thảo Bộ Công an nêu.
Cần cụ thể hóa phương pháp tính điểm
Chứng kiến nhiều trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, anh Lê Đình Phong lái xe lâu năm trên địa bàn Hà Nội cho rằng, đề xuất của Bộ Công an sẽ hạn chế được các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
“Hình thức trừ điểm trên GPLX là rất khả thi, vì có thể sẽ hạn chế được tình trạng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ gây nguy hiểm. Đối với việc quy định nếu GPLX bị trừ 12 điểm thì phải thi lại, để có bằng, ai cũng có kiến thức, bây giờ thi lại chỉ là làm lại thủ tục sẽ rất mất công, mất thời gian”, anh Phong nhìn nhận.
Theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm cho phù hợp với tình hình thực tế: “Cách tính điểm thế nào, cách trừ điểm thế nào thì phải cân nhắc, tức là hành vi nào thì bị tính điểm, cách trừ điểm thế nào, cách phục hồi điểm thế nào là phải cân nhắc. Ví dụ như trừ điểm sau bao lâu thì số điểm đó được phục hồi lại…”.
Hiện nay, Mỹ, Anh, Singapore, Trung Quốc, Na Uy... đang áp dụng quy định trừ điểm GPLX đối với những hành vi vi phạm luật giao thông để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông. Trong đó, Na Uy quy định trừ 3 điểm đối với lỗi đỗ xe sai vị trí hay vượt đèn đỏ, trừ 2 điểm đối với trường hợp vượt quá tốc độ cho phép 15 - 20 km/h (khi vận tốc tối đa là 70 km/h). Nếu bị trừ 8 điểm trong 3 năm, lái xe sẽ bị tước bằng 6 tháng.
Còn tại Anh, tính điểm theo thang 12 điểm. Tài xế sẽ bị cấm lái xe nếu rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau: Bị kết án vi phạm luật giao thông nghiêm trọng hoặc bị 12 điểm phạt trong vòng 3 năm.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM đánh giá, quy định “bấm lỗ” hay tính điểm, trừ điểm trên GPLX về bản chất là giống nhau. Tuy nhiên, việc trừ điểm sẽ có nhiều ưu điểm, tính khả thi cao hơn.
“Nếu như chúng ta hoàn thành đồng bộ, lưu trữ thông tin, dữ liệu kết nối với một hệ thống quản lý GPLX, rồi trừ điểm tự động thì việc quản lý như vậy sẽ giúp cơ quan Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ, còn người lái xe buộc phải có ý thức tuân thủ pháp luật.
Dưới góc độ mỹ quan thì có thể thấy việc trừ điểm sẽ văn minh hơn và hạn chế được tình trạng tiêu cực. Việc trừ điểm sẽ chi tiết, phân hóa được lỗi, mức độ xử lý, phù hợp với hành vi sai phạm. Điều này cũng phù hợp với xã hội ngày càng phát triển, việc ứng dụng khoa học, công nghệ 4.0 vào quản lý hành chính Nhà nước là cần thiết”, luật sư Bình phân tích.