Đề xuất trang bị súng bắn đạn cao su cho thanh tra giao thông

Bộ Giao thông đề xuất trang bị súng bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu, dùi cui điện, áo giáp… cho thanh tra giao thông để thực thi công vụ.

Thanh tra giao thông chưa có công cụ hỗ trợ. Ảnh minh họa
Thanh tra giao thông chưa có công cụ hỗ trợ. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông và Bộ Công an đang lấy ý kiến về Thông tư liên bộ quy định về trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng thanh tra ngành Giao thông vận tải.

Theo đó, các cơ quan này đề xuất những công cụ hỗ trợ trang bị cho thanh tra giao thông gồm các loại súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu và các loại đạn dùng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su; áo giáp, găng tay bắt dao.

Công cụ hỗ trợ sẽ được lập kế hoạch và trang bị cho lực lượng thanh tra Bộ, Sở Giao thông Vận tải, các cục và cảng vụ hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa...

Bộ Giao thông quy định, công cụ hỗ trợ chỉ được giao cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, gồm thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành. 

 Những người này phải có phẩm chất đạo đức, sức khỏe, được huấn luyện về chuyên môn, tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ.

Thanh tra giao thông chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Công an về sử dụng vũ khí.

Trường hợp công cụ hỗ trợ bị mất, thất lạc thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan công an cấp phép sử dụng để phối hợp giải quyết, đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản đến Tổng cục, Cục, Giám đốc Sở Giao thông chậm nhất là sau 5 ngày kể từ ngày phát hiện công cụ hỗ trợ bị mất hoặc thất lạc.

Để ngăn ngừa tình trạng sử dụng công vụ hỗ trợ sai quy định, Bộ Giao thông cũng quy định hình thức xử lý sai phạm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông cho rằng, thanh tra giao thông cũng phải làm nhiệm vụ tương tự như cảnh sát giao thông, một số trường hợp phải cưỡng chế vi phạm. "Khi bị các đối tượng tấn công, chúng tôi cần có dụng cụ phòng thân để không gây thương tích cho mình. Những dụng cụ hỗ trợ nhằm ngăn ngừa bị tấn công là chính", ông Sỹ nói.

Theo ông Sỹ, để ngăn chặn việc lạm quyền của thanh tra giao thông khi sử dụng công cụ hỗ trợ, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử phạt, bên cạnh đó là giáo dục lực lượng thanh tra sử dụng công cụ hiệu quả.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ