Ngày 31/3, UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN).
Theo UBND huyện Cam Lộ, mặc dù đã qua một số lần tu sửa, tôn tạo nhưng hiện nay các hạng mục di tích đã xuống cấp, không phù hợp và ngang tầm với giá trị lịch sử của một di tích cấp quốc gia.
Việc xuống cấp một số hạng mục tại di tích gây khó khăn trong việc tiếp đón nhân dân, khách tham quan đến tìm hiểu giá trị lịch sử rất quan trọng trong quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã đón tiếp hàng chục đoàn đại biểu cấp cao của nhiều nước trên thế giới đến thăm, trình quốc thư và đặt quan hệ ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng). |
Để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại huyện Cam Lộ (6/6/1973-6/6/2023) trang trọng, thiết thực, ý nghĩa, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, UBND huyện Cam Lộ đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài chính quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo lại các hạng mục: Cổng A, tường rào mặt trước theo nguyên trạng; phục hồi bốt gác; tu bổ Nhà trình Quốc thư; nhà trực đón tiếp du khách; phục hồi một đoạn sân theo nguyên trạng; tu bổ vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thoát nước; sưu tầm hiện vật… với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng.
Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN được xây dựng năm 1973 tại thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) trên diện tích 17.300m2, chia làm 2 khu độc lập: Khu A và Khu B. Khu A gồm nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao và nhà ăn; Khu B gồm nhà lưu trú của các đại sứ, nhà làm việc, ăn, nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, cán bộ của Chính phủ.
Tại khu Trụ sở đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng phục vụ công tác ngoại giao, như đón tiếp hàng chục đoàn đại biểu cấp cao của nhiều nước trên thế giới đến thăm, trình quốc thư và đặt quan hệ ngoại giao.
Chính vì vậy, đây là khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng cần được lưu giữ, tôn tạo, tu bổ làm nơi học tập, tham quan và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.