Với phương châm "Một tấc không đi, một li không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài", thông qua chỉ thị của Khu ủy Vĩnh Linh, các đơn vị bộ đội và nhân dân địa phương nhanh chóng tiến hành đào địa đạo. Công trình được bắt đầu từ đầu năm 1965 và được hoàn thành vào ngày 18/2/1966.
Trong suốt những năm 1965 - 1972 huyện Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Tính bình quân, mỗi người dân ở đây đã phải gánh chịu 7 tấn bom.
Ðể bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho ba đến bốn người ở.
Trong lòng địa đạo có 3 giếng nước, 1 hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại... Ðịa đạo được cấu tạo thành 3 tầng. Tầng một sâu cách mặt đất từ 12 - 15 m, là nơi sinh sống của nhân dân.
Địa đạo Vịnh Mốc chính là một trong những căn cứ “bất khả xâm phạm” và nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Địa đạo chính là nơi làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.
Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trong chiến tranh, quân và dân Quảng Trị đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và đã góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.