Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá

GD&TĐ - Chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ đồng tình cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Khánh Hòa để tỉnh phát triển đúng tiềm năng, lợi thế của mình.

Theo đại biểu, việc thực hiện thí điểm thành công đối với tỉnh Khánh Hòa sẽ là bài học không những đối với 27 tỉnh, thành phố ven biển còn lại trong cả nước, mà cả đối với các địa phương ven biển khác trên thế giới.

Cho rằng tỉnh Khánh Hòa có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược chính trị, kinh tế tự nhiên về biển và hải đảo đối với nước ta, đại biểu cho rằng, quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là về phát triển bền vững kinh tế biển, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistic, công nghiệp năng lượng, kinh tế số đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đột phá vùng ven biển phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi.

Bày tỏ ủng hội các nhóm chính sách mới trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, cần phân tích kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ, làm rõ các cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính khả thi, thiết thực và hiệu quả của các chính sách sau khi được ban hành.

Về chính sách phát triển khu kinh tế Vân Phong, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc phát triển kinh tế xã hội, đại biểu cho rằng nội dung này cần được nghiên cứu, cụ thể hóa đối với danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong và các điều kiện đối với các nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường biển.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng chính sách ủy quyền toàn bộ cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Khánh Hòa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là chưa có tiền lệ, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với năng lực bộ máy và thực tiễn công tác quản lý.

Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề

Về chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, do đặc thù cơ sở hạ tầng của khu kinh tế này còn hạn chế, để có thể phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và trong thời gian ngắn thì rất cần phải có chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư. Vì vậy, đại biểu nhất trí với quy định về nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí, điều kiện được định lượng cụ thể.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá tại huyện Trường Sa, đại biểu khẳng định, rất cần thiết, nhằm bổ sung nguồn lực phát triển nghề cá, phát triển và nâng cao đời sống dân sinh, nhưng theo đại biểu cái được lớn hơn rất nhiều là giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nghề cá ở Trường Sa phát triển sẽ là minh chứng sống động, là cột mốc chủ quyền di động vững chắc, bảo đảm cơ sở lịch sử, pháp lý hữu hiệu, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Với ý nghĩa quan trọng đó, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá tại huyện Trường Sa là rất cần thiết, đã rõ và cần sự ổn định lâu dài.

Vì vậy, riêng vấn đề này đại biểu Ngô Trung Thành kiến nghị Quốc hội cho chính thức thành lập mà không cần phải thực hiện thí điểm. Đây sẽ là dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh việc quy định cụ thể những chính sách thí điểm để bảo đảm sự đồng bộ và triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị, trong dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định một số chính sách, giải pháp đặc thù; hoặc phân cấp, ủy quyền cho Khánh Hòa.

Bởi vì, để có thể triển khai thực hiện thành công các chính sách mới này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và biện pháp đặc thù trong việc tổ chức thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đối với nhóm chính sách mới, đặc thù riêng cho tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các “cột mốc sống” trên biển, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, biến.

Theo đại biểu, khuyến khích vươn khơi trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phức tạp về an ninh quốc phòng lại càng khó hơn. Nghề vươn khơi đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, rủi ro cao cả về thiên tai và nhân tai.

Vì vậy, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi thực tiễn và đủ hấp dẫn nhà đầu tư. “Do đó, tôi đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước biển và áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp không % trong suốt vòng đời dự án nhưng tối đa không quá 30 năm cho cả khu vực, từ 3 hải lý trở ra” - Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.