Đề xuất tăng phí lưu hành phương tiện cá nhân 5% mỗi năm

Đề xuất tăng phí lưu hành phương tiện cá nhân 5% mỗi năm

(GD&TĐ)-Bộ Giao thông vận tải vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo bổ sung về việc thu phí giao thông

Việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cần có lộ trình thích hợp (ảnh MH)
Việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cần có lộ trình thích hợp (ảnh MH)

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đổi tên phí lưu hành phương tiện cá nhân thành phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và giữ nguyên tên đối với phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ tăng 5% mỗi năm, và không thu phí xe công (như xe của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, xe quân đội, xe công an, xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài).

Đối với ôtô đăng ký trong nước, Bộ đề xuất giao các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đối với ôtô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối với xe máy, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, lùi thời gian thực hiện thu phí đối với môtô (ít nhất là 6 tháng kể từ khi thu phí ô tô).

Hiệp Hội Vận tải Thành phố Hà Nội vừa có bản dự thảo kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và người dân khi thực hiện nghĩa vụ đóng các loại phí vận tải như: phí bảo trì đường bộ, phí lưu thông nội đô.

Theo đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị lùi thời hạn đến 1/1/2013 mới thu phí bảo trì đường bộ đồng thời mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay. Phấn đấu sang năm 2014 thu phí bằng thẻ và về lâu dài thu phí bằng công nghệ tin học, xe chạy nhiều thu nhiều để đảm bảo công bằng

Hiệp hội cũng đề nghị miễn hoàn toàn hoặc có lộ trình thu phí xe máy với các đối tượng chính sách như thương binh và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập còn chưa đủ ăn… 

Mức phí bảo trì thu qua đầu phương tiện đối với từng loại như: 80.000-150.000 đồng/năm đối với xe máy ; Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 chỗ ngồi: 180.000 đồng/tháng; Xe tải 2 - 4 tấn, xe du lịch 12 - 30 chỗ ngồi: 270.000 đồng/tháng; Xe tải 4 - 10 tấn, xe du lịch từ 31 chỗ ngồi trở lên, đầu kéo sơ mi rơ moóc chở container 20 – 40 feet: 296.000 đồng/tháng; Sơ mi rơ moóc chở container 20 feet: 324.000 đồng/tháng; Sơ mi rơ moóc chở container 40 feet: 1.044.000 đồng/tháng; Xe chở hàng 10 – 18 tấn, chở hàng bằng container 20 feet: 720.000 đồng/tháng; Xe tải chở hàng trên 18 tấn, chở hàng bằng container 40 feet: 1.440.000 đồng/tháng.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông, mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ hàng năm đối với ôtô là 20-50 triệu đồng, môtô là 500.000 đồng - 1 triệu đồng, dung tích xi lanh càng lớn phí càng cao. Phí lưu hành xe máy trước mắt chỉ áp dụng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Còn phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm áp dụng với ôtô các loại (trừ xe công và xe buýt) trong giờ cao điểm (6 giờ -8 giờ 30; 16 giờ -19 giờ), dự kiến 30.000 đồng với xe dưới 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại xe còn lại. Trước mắt sẽ thí điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng bằng các trạm thu phí thông minh (tự động, không dừng).

Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới về phòng chống ùn tắc giao thông thì Singapore là một trong những nước có hệ thống giao thông hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng loại hình thu phí đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông.

Ngay từ năm 1975, Singapore đã bắt đầu áp dụng thu phí đối với các phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực trung tâm thương mại. Tại thời điểm đó, cơ sở vật chất của Singapore chưa hiện đại. Để thực hiện việc thu phí, khi các phương tiện giao thông vào trung tâm thương mại, họ phải mua vé giấy và dán lên kính. Sau 1 năm, lượng ôtô vào trung tâm giảm 40%.

Tuy nhiên, biện pháp thủ công này đòi hỏi một lượng lớn nhân viên nên khó kiểm soát và đẩy cao chi phí hoạt động, đồng thời gây bất tiện cho người lái xe.

Từ tháng 9/1998, Singapore đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử, gọi tắt là ERP (Electronic Road Pricing), thay thế hoàn toàn phương pháp thủ công trước đó. Với lợi thế về diện tích chiếm dụng ít hơn, cắt giảm toàn bộ nhân viên bán vé, đồng thời chi phí duy trì thấp hơn, mô hình ERP nhanh chóng được nhân rộng và áp dụng trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm, các trục giao thông chính nhằm hạn chế xe lưu thông trong giờ cao điểm.

Hệ thống ERP hoạt động dựa trên 3 bộ phận chính là các cổng ERP đặt trên các tuyến đường, thiết bị thu phí gắn trên phương tiện và thẻ nạp tiền trả trước, cuối cùng là hệ thống máy tính trung tâm.

Các cổng ERP (được hệ thống camera hỗ trợ) có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các phương tiện qua cổng, đồng thời ghi lại biển số xe và kiểm tra các xe gắn có thiết bị thu phí hay không. Thiết bị thu phí được gắn trên xe và đặt ở phía trước, có khe để lái xe lắp thẻ trả trước CashCard hoặc EZ-Link. Đây là 2 loại thẻ trả phí giao thông tự động.

Những xe không lắp thiết bị hoặc không nạp đủ tiền vào thẻ sẽ bị ghi hình và xem như một hình thức vi phạm luật giao thông. Trong vòng 2 tuần kể từ khi vi phạm, trung tâm kiểm soát sẽ gửi thông báo cho lái xe (dựa trên thông tin đăng ký của phương tiện) yêu cầu nộp phạt. Toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu cho các thiết bị thu phí trị giá khoảng 100 triệu SGD (đôla Singapore) do Nhà nước chi trả, với giá mỗi thiết bị khoảng 150 SGD.

Sau khi khảo sát, người ta nhận thấy việc áp dụng ERP đạt hiệu quả tốt, giúp giảm khoảng 25.000 lượt phương tiện trong giờ cao điểm, tốc độ tham gia giao thông tăng khoảng 20%, đồng nghĩa với đường phố thông thoáng hơn giúp các phương tiện đi lại thoải mái hơn.

Trung tâm Hệ thống giao thông thông minh Singapore (ITSC) chịu trách nhiệm quản lý từ xa hệ thống này và hệ thống giao thông, hoạt động 24/7 với ít nhất 7 người một ca. Trung tâm này cũng là nơi gửi vé phạt tới các chủ phương tiện không chấp hành luật giao thông.

Sự thành công của mô hình thu phí đường bộ ERP tại Singapore đã được áp dung ở nhiều thành phố trên thế giớ như: London (Anh), Toronto, Ontario (Canada), Stockholm (Thụy Điển), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất), Milan (Italia),… Indonesia cũng quyết định sử dụng ERP tại thủ đô Jakarta và 4 thành phố lớn trong nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông.
 

Ngọc Lan-Minh Hằng-Xuân Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ