Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt với người mua dâm
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.
Dự thảo Nghị định mới (thay thế Nghị định 167/2013 của Chính phủ) đã bổ sung quy định xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm mới; đề xuất tăng mức xử phạt hành chính một số hành vi so với Nghị định 167.
Theo Điều 24 dự thảo Nghị định mới, Bộ Công an đề xuất phạt 1-2 triệu đồng đối với người có hành vi mua dâm. Trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc, mức phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.
Theo Nghị định 167/2013 đang lưu hành, người bị xác định mua dâm sẽ bị phạt hành chính từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Như vậy, quy định mới đề xuất tăng gấp đôi mức chế tài này.
Với hành vi bán dâm, Điều 25 của dự thảo Nghị định mới đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300 - 500 nghìn đồng. Trường hợp bán dâm cho 2 người trở lên cùng lúc thì áp dụng mức phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Nghị định 167/2013 đang áp dụng hiện nay quy định phạt tiền tối đa 300 nghìn đồng với hành vi bán dâm. Còn bán dâm cho nhiều người cùng lúc sẽ bị phạt 300 - 500 nghìn đồng.
Bộ Công an cũng đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi khác liên quan đến mua, bán dâm. Theo đó, các hành vi che giấu, bảo kê, giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua, bán dâm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng.
Nếu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua, bán dâm hoặc góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích này thì bị phạt 30-50 triệu đồng. Còn người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua, bán dâm có thể bị phạt tiền tối đa 75 triệu đồng.
Nên công khai danh tính người mua dâm
Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, việc tăng nặng mức xử phạt tiền đối với người có hành vi mua dâm trong dự thảo Nghị định là cần thiết để răn đe, phòng ngừa loại hình tệ nạn xã hội này. Quy định về mức xử phạt tiền đối với người mua dâm cao nhất đến 500 nghìn đồng không còn phù hợp với tình hình xã hội.
Trung tá Hiếu cho rằng: "Mức xử phạt đề xuất trong dự thảo Nghị định là phù hợp với mặt bằng thu nhập của nhiều nhóm dân cư, để đảm bảo tính khả thi thực hiện quyết định xử phạt. 2 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ so với thu nhập của nhiều người. Nếu quy định mức tiền xử phạt quá cao, có thể dẫn đến việc người vi phạm không có khả năng nộp phạt, ảnh hưởng đến tính khả thi của biện pháp xử lý".
Theo vị chuyên gia tội phạm học, cơ quan chức năng nên công khai danh tính của người mua dâm. “Quy định này có tác dụng răn đe rất lớn với nhiều người. Vì việc nộp phạt mà không bị nêu tên, vẫn chưa khiến nhiều người thấy sợ. Việc công khai danh tính sẽ khiến nhiều người vì sợ tổn hại về danh dự, uy tín... mà không dám thực hiện hành vi mua dâm", ông Hiếu phân tích.
Mức phạt được đề xuất chưa đủ sức răn đe
Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội lại cho rằng, mức phạt hành chính đối với hành vi mua dâm, bán dâm theo quy định hiện nay cũng như là với nội dung dự thảo sửa đổi chỉ có tính chất cảnh báo, nhắc nhở chứ chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Cường, trong khi đó, cơ quan điều tra phát hiện nhiều vụ mua bán dâm có giá lên đến 25.000 USD một lần mua dâm, những trường hợp mua bán dâm với giá 8000USD - 10.000USD diễn ra tương đối nhiều.
Nếu các giao dịch này thành công thì số tiền thu lợi bất chính cũng như tiền sử dụng vào mục đích trái pháp luật rất lớn, người ta sẽ không vì sợ nộp phạt mất khoảng vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng mà không dám vi phạm.
“Bởi vậy, chế tài xử phạt hành chính về hành vi mua dâm cũng như hành vi bán dâm trong thời gian qua cho thấy chỉ là có tính chất “nhắc nhở”, “cảnh báo” về hành vi vi phạm hành chính chứ không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, đời sống cũng như là những thiệt hại về kinh tế của người vi phạm", ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho biết thêm, khi pháp luật Việt Nam còn cấm hoạt động mại dâm thì đồng nghĩa với việc các hành vi vi phạm quy định về phòng chống mại dâm sẽ bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự. Việc áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm về phòng chống mại dâm chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp phòng ngừa không đạt hiệu quả.
Về mặt lý luận thì để đấu tranh phòng và chống tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa.
“Dù chế tài có nghiêm khắc, nghiêm minh đến đâu nhưng giải pháp phòng ngừa thực hiện kém hiệu quả, không khoa học, không triệt để thì dù có áp dụng các chế tài hình sự hà khắc cũng chưa chắc đã quản lý được xã hội, kiểm soát được tình trạng vi phạm. Bởi vậy, để phòng chống mại dâm hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp phòng được chứ không chỉ ỷ lại vào việc áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự”, ông Cường chia sẻ.