Ngày 26/9, Bộ Công an công bố dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013/NĐ-CP để lấy ý kiến góp của các bộ, ngành, địa phương.
Tại dự thảo này, lần đầu tiên Bộ Công an bổ sung việc phạt người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng... Mức phạt đề xuất từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Với hành vi dâm ô (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt lên gấp 10 lần, từ 300.000 thành 3 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt đề xuất với người có cử chỉ, lời nói, việc làm mang tính chất khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng Bộ Công an cần phải đưa ra khái niệm cụ thể về hành vi sàm sỡ, thế nào là khiêu dâm nơi công cộng... mới có thể áp dụng nghiêm trong xử lý vì hiện chưa có văn bản quy định. Khi các hành vi này được định danh và cho vào điều khoản cụ thể, việc theo dõi và áp dụng xử phạt mới hiệu quả, có tác dụng răn đe, tránh trường hợp "mỗi cơ quan hiểu theo một kiểu".
Một số luật sư khác đánh giá việc tăng mức phạt tiền với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, phô dâm nơi công cộng "là cần thiết". Thời gian qua, trong nhiều sự việc gây bức xúc dư luận như cô gái bị ghì hôn trong thang máy, thanh niên thủ dâm trên xe buýt... mức phạt chỉ là 200.000 đồng với người vi phạm, bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ quy định mức phạt tối đa 300.000 đồng cho lỗi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Cũng về mức phạt 200.000 đồng gây tranh cãi, cuối tháng 3, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp". Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từng phản ứng rằng mức phạt 200.000 đồng không có tính răn đe" mà có thể tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến văn hoá, đạo đức và gây bức xúc trong xã hội.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực từ ngày 28/12/2013 và vẫn đang được áp dụng.