Đề xuất nhiều giải pháp quản lý kinh phí NCKH của trường ĐH

Đề xuất nhiều giải pháp quản lý kinh phí NCKH của trường ĐH

(GD&TĐ) - Hôm nay (19/5), Học viện Quản lý giáo dục tổ chức Hội thảo mô hình quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học (NCKH) cho các trường Đại học Nhật Bản và khả năng áp dụng cho Việt Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ GD&ĐT cùng đại diện một số trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đến dự.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

"Mô hình quản lý kinh phí NCKH cho các trường Đại học Nhật Bản và khả năng áp dụng cho Việt Nam" là đề tài nghiên cứu khoa học do nhóm nghiên cứu của Học viện Quản lý giáo dục do PGS.TS Lê Phước Minh - Phó giám đốc Học viện làm chủ nhiệm.

Theo PGS.TS Lê Phước Minh, hiện các trường đại học Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong thúc đẩy NCKH đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục Đại học và phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập. Tuy nhiên cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng và lựa chọn được mô hình quản lý kinh phí NCKH tối ưu nhất để mang lại chất lượng và hiệu quả cho hoạt động KH&CN của các trường Đại học. 

s
PGS.TS Lê Phước Minh - Phó giám đốc Học viện Quản lý giáo dục thuyết trình về "Mô hình quản lý kinh phí (NCKH) cho các trường Đại học Nhật Bản và khả năng áp dụng cho Việt Nam"

Trong khuôn khổ của hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt là vấn đề cơ cấu tổ chức hệ thống NCKH của Nhật Bản nói chung và trường Đại học Osaka nói riêng.

Theo đó, GS.TS Aimoto Saburo - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Osaka và ông Doi Daisuke - Trưởng phòng phát triển nghiên cứu khoa học, Đại học Osaka cho biết, về chính sách cấp kinh phí nghiên cứu trong các trường Đại học, các nguồn kinh phí được phân theo 3 mục chính là: Chính quyền trung ương và địa phương; khu vực tư nhân và nước ngoài.

Đối với Việt Nam, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là giải pháp cho mô hình quản lý kinh phí NCKH cho các trường đại học. Theo đề xuất của của PGS.TS Lê Phước Minh và nhóm nghiên cứu Học viện Quản lý giáo dục, để làm tốt công tác này, trước mắt phải thay đổi mục tiêu NCKH và thay đổi về cơ chế chính sách.

Cụ thể, cần tăng cường đầu tư tài chính và đổi mới cơ chế giao ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ của ngành GD&ĐT, chú ý đến đặc điểm riêng trong hoạt động khoa học và công nghệ của ngành. Ngoài ra cần đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động và công nghệ của ngành.

Có chính sách cụ thể huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp cho hoạt động khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu với các trường đại học và doanh nghiệp. Xây dựng các giải pháp thúc đẩy quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm tăng nguồn thu từ các hoạt động này cho các cơ sở nghiên cứu.

c
Ông Doi Daisuke - Trưởng phòng phát triển nghiên cứu khoa học, Đại học Osaka chia sẻ kinh nghiệm về "Mô hình quản lý kinh phí (NCKH) cho các trường Đại học Nhật Bản và Đại học Osaka

Tiếp đến là xây dựng các doanh nghiệp KH&CN trong trường Đại học, phát triển mô hình ươm tạo công nghệ nhằm thu hút các nguồn lực tài chính của xã hội cho hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư thiết bị nghiên cứu gắn với đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên lành nghề và sử dụng hiệu quả thiết bị nghiên cứu đã có trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với các đề tài nghiên cứu và hợp tác trong sử dụng thiết bị; hình thành chuỗi các phòng thí nghiệm chuyên ngành để phục vụ NCKH, tập trung vào các ngành đào tạo mũi nhọn và ưu tiên để có đủ điều kiện phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể thực hiện cùng nghiên cứu hoặc nghiên cứu thuê cho các doanh nghiệp, các trường Đại học và Viện nghiên cứu của nước ngoài.

Cuối cùng là xây dựng cơ chế đồng tài trợ giữa Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong và nước ngoài với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu để thực hiện các hợp đồng NCKH và cung cấp công nghệ, sản phẩm và giải pháp mới.

Sỹ Điền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ