Đề xuất nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng đặc biệt

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất, bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi công tác tại vùng có điều kiện khó khăn.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại hội trường Quốc hội - sáng 19/11.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại hội trường Quốc hội - sáng 19/11.

Thảo luận tại hội trường – sáng 19/11, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho ý kiến tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo: nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.

Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng: bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

duongkhacmai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai.

Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH Đắk Nông) tán thành với quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Quy định này nhằm tháo gỡ các khó khăn đối với nhà giáo và tính đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Bên cạnh đó, để chính sách thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị, việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian qua, đại đa số đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực đạo đức, phẩm chất rất tốt. Song, vẫn còn một số giáo viên, kể cả cán bộ cấp quản lý vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn đến mức phải xử lý.

Vì vậy, đối với việc thực hiện chính sách đặc thù tiền lương thì trong quá trình thi hành Luật, cần phải có các quy định để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức của nhà giáo, tận tâm trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ