Đề xuất nâng lương cơ sở thêm 20,8%; linh hoạt hơn trong điều hành xăng dầu

GD&TĐ - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội đã giải đáp, làm rõ nhiều ý kiến, đề xuất của cử tri.

Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ giải đáp, làm rõ nhiều ý kiến, đề xuất của cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ giải đáp, làm rõ nhiều ý kiến, đề xuất của cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nghị quyết 128 của Chính phủ đạt kết quả ngoạn mục

Tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành. Nhờ đó, đất nước tiếp tục đạt được những thành tựu toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực; làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực; các ngành kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Cử tri cũng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng với nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng, chiến lược, như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về ĐBSCL, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL vừa qua, việc quy hoạch, triển khai xây dựng nhiều tuyến cao tốc, bến cảng lớn trong vùng...

Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá trong triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá trong triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ đánh giá vừa qua, triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Hòa thượng ấn tượng với việc Thủ tướng trực tiếp thị sát, kiểm tra, đôn đốc các công trình trọng điểm quốc gia, làm việc với nhiều địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xử lý dứt điểm với các vấn đề tồn đọng kéo dài.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ bày tỏ với quan điểm đặt tính mạng và sức khỏe nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Minh Phương cho biết khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vẫn có những ý kiến băn khoăn nhưng đều tin tưởng vào Chính phủ. Đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này đã đạt kết quả ngoạn mục, dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ, chứng tỏ sự đúng đắn và cần thiết của Nghị quyết này.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ khẳng định đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này đã đạt kết quả ngoạn mục - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ khẳng định đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này đã đạt kết quả ngoạn mục - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sau Nghị quyết 128, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách và Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có nhiều cuộc làm việc, chỉ đạo nhằm đầu tư, nâng cao năng lực y tế, giải quyết vấn đề nhân lực y tế và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế… để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan tới thúc đẩy các công trình hạ tầng giao thông, logistics, cảng biển, đường cao tốc, sân bay trên cả nước và trong khu vực; nguồn cung xăng dầu; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và một số vướng mắc trong lĩnh vực y tế; giá cả vật tư đầu vào cho phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, phát triển kinh tế tập thể; các vấn đề liên quan tới dân sinh như tình trạng vi phạm pháp luật liên quan tới hình thức vay tiền qua ứng dụng (app); cải cách tiền lương với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; dạy tiếng Khmer cho học sinh...

Thủ tướng dành nhiều thời gian thông báo về tình hình và kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng dành nhiều thời gian thông báo về tình hình và kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, bám sát tình hình thực tiễn, thể hiện sự liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.

Chia sẻ một số nội dung, vấn đề được đồng chí, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng dành nhiều thời gian thông báo về tình hình và kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm 2022.

Thủ tướng cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm cuối năm 2021 khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng phát sinh hậu quả, đội vốn, kéo dài; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực.

"Chúng ta tránh cả hai khuynh hướng là hoang mang, dao động và chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, quy mô, khả năng chống chịu của nền kinh tế và tình hình thế giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để tổ chức thực hiện có hiệu quả", Thủ tướng nói.

Chính phủ, Thủ tướng tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc; trực tiếp thị sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, địa bàn; chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong 9 tháng, Chính phủ tổ chức 8 phiên họp thường kỳ và 7 phiên họp chuyên đề, ban hành 70 nghị định, 20 quyết định quy phạm của Thủ tướng.

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Tính đến ngày 29/9/2022, Việt Nam đã tiêm được trên 260 triệu mũi vaccine. Dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc từ cuối quý I/2022.

Cùng với đó, nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nặng nề khi quy mô kinh tế lớn hơn, dân số tăng lên, yêu cầu của nhân dân cao hơn; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài (trong đó có những dự án tại khu vực ĐBSCL như Nhà máy điện Long Phú I, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn); giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, ứng phó kịp thời với những biến động tình hình thế giới, trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, chúng ta tránh cả hai khuynh hướng là hoang mang, dao động và chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, chúng ta tránh cả hai khuynh hướng là hoang mang, dao động và chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai thực hiện. Đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng được chú trọng; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến căn bản trong triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.

Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, đã và đang được tiếp tục tháo gỡ, xử lý, đạt được những kết quả tích cực. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được đặc biệt quan tâm chỉ đạo; chủ động, tích cực xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác xây dựng quy hoạch được tập trung triển khai. Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được chú trọng, trong đó cắt giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 8 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục, bộ. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và toàn xã hội, tiết giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Công tác phát triển văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng hơn; tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhận thức về vai trò của văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển; các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, đô thị.

Công tác an sinh xã hội đã triển khai một cách sâu rộng, thiết thực, kịp thời. Qua 2 năm đã thực hiện hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khoảng trên 55 triệu lượt người dân, người lao động và khoảng 730 nghìn lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân người lao động quý III/2022 đạt 6,7 triệu đồng/tháng (tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ 2021).

Công tác dạy nghề được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được nâng lên. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được hình thành, phát triển mạnh mẽ.

Các nguồn lực đất đai, tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả. Công tác bảo vệ môi trường và các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được tích cực thực hiện, trong đó có kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh, tăng trưởng xanh. Công tác phòng chống thiên tai được các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan chức năng chỉ đạo sát sao; đã chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 4 rất mạnh vừa qua.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả, góp phần củng cố niềm tin của toàn xã hội.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được tập trung chỉ đạo linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức cần giải quyết

Bên cạnh đó, tình hình còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, như kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc; sức ép lạm phát còn lớn. Việc triển khai nhiệm vụ quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác tiêm chủng vaccine đạt tiến độ, mục tiêu, yêu cầu và mong muốn của nhân dân.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực còn khó khăn; còn thiếu hụt lao động cục bộ trên một số địa bàn. Thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế.

Phát triển văn hoá chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng còn nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế chưa đạt yêu cầu. Xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Vấn đề cung ứng xăng dầu ở một số nơi còn khiến người dân bức xúc.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật. Xảy ra một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng gây hậu quả nghiêm trọng. Xử lý ô nhiễm môi trường còn bất cập, nhất là nước thải, chất thải. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh, phòng, chống tội phạm còn nhiều khó khăn; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp.

Theo Thủ tướng, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, công tác phân tích, dự báo, tham mưu xây dựng và triển khai chính sách, giải pháp ứng phó với biến động tình hình quốc tế, trong nước có mặt, có lúc, có nơi còn bị động. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong một số lĩnh vực chưa quyết liệt, kịp thời. Việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát cần tăng cường hơn nữa. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình trong một số trường hợp còn chưa sát, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa chủ động phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ phát sinh.

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong phát triển KT-XH thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong phát triển KT-XH thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm như phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường; theo dõi sát, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động ứng phó linh hoạt, hiệu quả các vấn đề phát sinh. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Đặc biệt chú trọng bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục xác định khó khăn thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các khó khăn, hạn chế, vượt qua các thách thức mới; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm.

Trong đó, chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Thủ tướng khẳng định trong những thành công chung của cả nước thời gian qua, có sự đóng góp tích cực của TP. Cần Thơ với cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố. GRDP 9 tháng tăng trưởng hơn 36%, xếp thứ 1 trong Vùng ĐBSCL, thứ 3 cả nước; so với cùng kỳ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng gần 31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 77%; sản lượng nuôi thủy sản tăng 44%; tổng lượt khách du lịch tăng 111%...

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, chung sức đồng lòng, cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thủ tướng báo cáo với cử tri về các nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai để giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang là vấn đề bức xúc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng báo cáo với cử tri về các nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai để giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang là vấn đề bức xúc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố và các đại biểu Quốc hội đã bước đầu giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đồng bào, cử tri. Thủ tướng làm rõ thêm một số nội dung cụ thể được cử tri đề cập.

Thủ tướng cho biết việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách.

Ngày 9/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Hiện, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Về ý kiến cử tri trước các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có những dự án đã triển khai đã nhiều năm, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã rất quyết liệt, tăng cường đôn đốc, kiểm tra các dự án, xử lý các vấn đề vướng mắc, như đã ban hành 2 nghị quyết để xử lý vấn đề mỏ vật liệu đất đá làm đường cao tốc... Sân bay Long Thành đã được khởi công và việc xây dựng đang được thúc đẩy tích cực. Đường bộ cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2... đã được đưa vào sử dụng. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành 180 km, thông tuyến 181 km cao tốc, đồng thời tích cực chuẩn bị khởi công các dự án giai đoạn 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Thủ tướng tán thành với quan điểm cử tri cho rằng dự án càng kéo dài càng đội vốn và gây lãng phí, đồng thời đề nghị các địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để triển khai các dự án, trong đó có làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng cũng báo cáo cử tri về các nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai để giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang gây bức xúc trong người dân. Các chủ thể liên quan từ Trung ương tới địa phương phải cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan... Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phân cấp đấu thầu theo tinh thần nơi nào, cấp nào làm tốt nhất, thuận lợi nhất thì giao nhiệm vụ, trên tinh thần vừa đúng quy định, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm chất lượng thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế…; lãnh đạo các địa phương quyết liệt vào cuộc; chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.

Liên quan đến xăng dầu, Thủ tướng đánh giá nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục. Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doanh nghiệp. Theo báo cáo, tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…, đến nay tình hình cơ bản đã được giải quyết.

Theo Thủ tướng, tình hình trên có nguyên nhân khách quan như đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo, có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với giá cao nhưng sau đó giá xuống thấp nên có thể thua lỗ, điều này cần được chia sẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thủ tướng lấy ví dụ, chúng ta đã có các cơ chế, chính sách như quỹ bình ổn giá nhưng việc áp dụng, phối hợp giữa các cơ quan phải kịp thời, hiệu quả hơn. Thực tế vừa qua, một số cơ quan phối hợp chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại.

Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…; công tác điều hành, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định thì phải xử lý. Việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.

Thủ tướng cũng thông tin khái quát về các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ 2 nút thắt phát triển với ĐBSCL là hạ tầng giao thông vận tải và nguồn nhân lực, trong đó có việc thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác tới và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong vùng.

Sau hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP. Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về kiến nghị của cử tri liên quan tới việc dạy tiếng Khmer cho học sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền mỗi dân tộc có tiếng nói chữ viết riêng, quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

Ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ Nhất (tháng 3/1935) đã khẳng định: "Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa". Quan điểm trên được xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, được tiếp tục khẳng định qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy việc học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có tiếng Khmer. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, tại Điều 5 đã quy định: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình".

Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Luật Giáo dục 2019 quy định "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ" (Khoản 2 Điều 11). Ngày 27/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030".

Tiếng dân tộc thiểu số được đánh giá và ghi kết quả đánh giá vào học bạ được quy định cụ thể tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Như vậy, môn Tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có Tiếng Khmer được xác định là môn tự chọn như một số môn học khác. Khi được lựa chọn thì việc dạy, việc học đã được quy định rõ và có đánh giá trong học bạ như môn ngoại ngữ khác.

Theo Báo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.