Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện nghị định ăm thi hành Nghị định số 46/2016/NĐ- của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt ngày 10-4, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.
Cụ thể, thời gian qua, tổ soạn thảo nhận được những đề xuất tước bằng lái xe vĩnh viễn với tài xế uống rượu, sử dụng ma túy gây tai nạn. Hình thức xử phạt bổ sung tước bằng lái từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng là chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay quy định thời hạn tước bằng lái tối đa là 24 tháng. Vì vậy, muốn có hình thức tước bằng lái vĩnh viễn phải sửa cả luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo bà Hạnh, hiện nay mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân, thấp hơn mức phạt trong lĩnh vực đường sắt, đường thủy.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng cần tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm luật giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng; tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, vi phạm trên đường cao tốc.
Bà Hạnh cho biết thêm hiện nay nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên thực tế chưa được quy định trong nghị định 46 như xe lắp thêm đèn chiếu sáng gây mất an toàn với xe đi ngược chiều. Một số hành vi không xử lý được vì thiếu phương tiện kỹ thuật như như thải, âm lượng còi, độ ồn…
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đề xuất ngoài phạt tiền người vi phạm, cần có hình thức phạt lao động công ích, lưu số lần bị phạt để phạt lũy tiến…
Theo ông Minh, ngoài phạt tiền cần có những hình phạt lao động công ích, buộc thi lại lý thuyết hoặc sát hạch lái xe với một số lỗi như các nước đang thực hiện để người vi phạm khỏi còn tâm lý phạm lỗi, nộp tiền là xong.
Đồng thời, có hành vi đánh vào kinh tế như cập nhật lỗi vi phạm của tài xế, doanh nghiệp vận tải. Nếu vi phạm nhiều lần thì lần sau tăng mức phạt cao hơn lần trước theo hình thức lũy tiến, tăng mức tiền mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe. Với hành vi sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe, cần xem xét mức phạt có sức răn đe hơn. Tăng mức phạt với doanh nghiệp, chủ xe có tài xế vi phạm.
Theo ông Minh, việc chống đối, đôi co giữa người vi phạm với lực lượng chức năng hiện nay là không chấp nhận được. Bởi vì người thực thi công vụ được người dân ủy quyền thực thi pháp luật.
Để chấm dứt tình trạng này, cần có cơ chế để người vi phạm khiếu nại, phản ánh với quyết định xử phạt tại tòa. Cơ quan chức năng sẽ chứng minh vi phạm chứ không phải người vi phạm cứ yêu cầu đưa bằng chứng ngay mới chấp hành xử phạt.
"Nếu chỉ tập trung sửa nghị định 46 thì hiệu quả, tác dụng không cao mà đặt trong mối quan hệ với việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ nếu xử phạt xong, ghi lỗi vào cơ sở dữ liệu quốc gia thì sẽ tránh được tình trạng hồ sơ vi phạm của tài xế luôn trắng. Cần cập nhật lỗi để xử phạt lũy tiến, để chủ doanh nghiệp biết tiểu sử lái xe khi tuyển dụng. Viêc này liên quan đến nhiều nội dung của luật xử lývi phạm hành chính, luật thống kê nên cần sự tham gia của Bộ Tư pháp trong sửa đổi", ông Minh cho biết.
Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trước mắt việc sửa nghị định 46 cần xuất phát từ những vấn đề thực tiễn. Cái gì còn vướng mắc gây tranh luận giữa người dân và lực lượng thực thi cần xử lý trước như: làm rõ hành vi dùng tay sử dụng điện thoại khi lái xe là thế nào; luật giao thông đường bộ cho phép vượt đèn vàng khi thấy nguy hiểm từ phía sau nhưng quy chuẩn 41 lại không cho phép vượt nên cần thống nhất để tránh sự tranh cãi…
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đề nghị, trước mắt các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối dữ liệu, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong việc thực hiện nghị định 46, tiến tới xử phạt qua hình ảnh nhiều hơn. Đồng thời đề nghị tổ biên tập tiếp thu ý kiến góp ý để đẩy nhanh quá trình soạn thảo nghị định sửa nghị định 46, thông tư liên quan.
RẢI ĐINH TRÊN ĐƯỜNG PHẢI XỬ LÝ HÌNH SỰ
"Với một số hành vi cố tình có nguy cơ tai nạn cao, nguy cơ chết người kiến nghị đưa sang xử lý theo luật hình sự. Ví dụ hành vi rải đinh trên đường cao tốc là cố ý gây chết người phải xử lý hình sự mới răn đe được. Nhưng vừa qua có vụ rải đinh trên đường ở Hải Phòng lúc đưa ra xử thì nói chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên không xử hình sự được"- ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia