Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, bên cạnh việc tạo công bằng trong giáo dục, chính sách hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh tiểu học trường tư thục sẽ đáp ứng yêu cầu của xã hội, giúp giảm áp lực tài chính với các gia đình. Từ đó từng bước giảm áp lực về sĩ số học sinh ở các trường công lập, đồng thời giảm gánh nặng của ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống trường công. Bên cạnh đó, chính sách này cũng nhằm khuyến khích nhà đầu tư có đủ năng lực tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập.
Ông Lê Hoài Nam cho biết: TP có khoảng 25 nghìn học sinh tiểu học học tập ở trường ngoài công lập. Sở GD&ĐT đề xuất TP hỗ trợ cho học sinh các trường ngoài công lập bằng định mức ngân sách cấp cho các trường tiểu học công lập. Định mức ngân sách TP phân bổ cho học sinh tiểu học hiện khoảng 5 triệu đồng/ năm/học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP chia sẻ thêm: Nếu đề xuất được thông qua, TP sẽ cân đối ngân sách, thông qua nhiều bước pháp lý để thực hiện chủ trương này. Khi đó, sở sẽ tính toán, đưa ra những kế hoạch cụ thể. Các trường tư cũng cần đáp ứng điều kiện về giáo dục để hưởng mức hỗ trợ này: Bảo đảm về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học để thực hiện tốt nhất công tác giáo dục và đào tạo cho học sinh. Nếu được thông qua, chủ trương này sẽ được thực hiện từ năm học 2021 - 2022.
Liên quan đến chủ trương Sở GD&ĐT TP đề xuất, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Trên thế giới, nhiều quốc gia dành nguồn ngân sách cho mọi học sinh, không phân biệt loại hình trường. Có sự hỗ trợ công bằng sẽ khuyến khích học sinh học tại các trường tư thục, giảm bớt áp lực tuyển sinh tại các trường công. Vì vậy, theo ông Điệp, đề xuất của sở GD&ĐT là hợp lý, tạo sự bình đẳng cho tất cả học sinh.
Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4 cho rằng: Hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học trường tư thục là chính sách tiến bộ. Ngành GD-ĐT thực sự quan tâm đến mọi học sinh, tạo sự công bằng trong giáo dục, không phân biệt loại hình trường. Thực hiện chính sách này cũng giảm được phần nào áp lực về tài chính cho phụ huynh. Nếu đề xuất được chấp thuận sẽ tạo nhiều chuyển biến trong hệ thống giáo dục công lập, tư thục, trước mắt là giảm bớt áp lực tuyển sinh vào các trường công lập trong điều kiện nhiều địa phương đang gặp quá tải về sĩ số.
Chị Nguyễn Thanh Mai (ngụ tại TP Thủ Đức), có con theo học tại trường tư thục trên địa bàn chia sẻ: Chi phí học tư thục cao cũng có những áp lực nhất định với gia đình, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập bị giảm nhiều. Cháu thứ hai chuẩn bị vào lớp 1 nên gia đình cũng đắn đo về khả năng tài chính cho 2 cháu theo học tư thục. Nếu có sự hỗ trợ về học phí cho các con khi học tư thục, tôi nghĩ bất cứ phụ huynh nào cũng ủng hộ, vui mừng.