Căn cứ điều chỉnh đã... lạc hậu
Tại công văn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Cơ sở để đưa ra đề xuất này là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân): “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
TS Lê Văn Sơn, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang được tính trên cơ sở thu nhập mà không tính yếu tố chi phí. Một người thu nhập 20 triệu, chi phí có thể là 25 triệu nhưng vẫn bị chịu thuế thu nhập. Đối với một gia đình gồm vợ chồng và hai con, để có thể sống trên mức trung bình thì tổng thu nhập của họ phải tối thiểu là 20 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, mức sống của người dân đô thị hiện nay còn khá khó khăn, sinh hoạt phí cũng như chi phí học hành cho con cái khá cao. Như vậy, mức khởi điểm căn cứ tính giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như đề xuất của Bộ Tài chính quá thấp và chưa phù hợp với thực tế.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 (ngày có hiệu lực của Luật số 26/2012/QH13) tăng 23,2%. Như vậy, CPI đã vượt mức 20% từ khá lâu mà giờ Bộ Tài chính mới đề xuất thực hiện điều chỉnh và CPI tăng bao nhiêu thì giảm trừ gia cảnh tăng bấy nhiêu là bị chậm khiến người nộp thuế bị thiệt. Hơn nữa, lấy chỉ số CPI làm căn cứ điều chỉnh là lạc hậu không còn phù hợp với thực tế nữa.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức sống như hiện nay thì mức đề xuất này quá thấp và không phù hợp. Ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống. Chỉ với tính toán đơn giản, nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013 - 2019 để xác định cho năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng/tháng.
Tương tự, mức giảm trừ với người phụ thuộc khoảng 5,6 triệu. Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế. Hơn nữa, vừa qua cả nền kinh tế từ doanh nghiệp cho tới người dân đều bị ảnh hường nặng nề của Covid-19 nên không thể căn cứ mức thu nhập này để tính thuế cho năm nay và những năm tới được.
Nên tìm giải pháp hỗ trợ cá nhân nộp thuế
Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ Bộ Tài chính nên tìm giải pháp hỗ trợ cá nhân nộp thuế hơn là loay hoay với đề xuất điều chỉnh. Hầu hết người lao động đều đang trong giai đoạn bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 bởi số lượng doanh nghiệp tê liệt hoặc tạm đóng cửa khá nhiều. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất.
Trước những phản hồi trái chiều của dư luận về mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính giải thích, với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nói trên, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu người đang thuộc diện phải nộp thuế sẽ không phát sinh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, số thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số tính toán chứ chưa phải con số hỗ trợ người nộp thuế vì thực tế người lao động đã bị giảm thu nhập thì lấy gì đóng thuế?
Theo luật sư Phạm Quang Xá (Công ty Luật TNHH “XTVN” - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Chính phủ gần như chưa có hỗ trợ cho người nộp thuế là đối tượng có thu nhập từ tiền công, tiền lương. Quy định giãn nộp thuế hiện tại chỉ áp dụng cho cá nhân và hộ kinh doanh. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng của Covid-19 năm 2020 còn hơn cả ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2009. Do đó, Bộ Tài chính nên tính đến phương án miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn này, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho người làm công ăn lương. Việc miễn thuế sẽ hỗ trợ thiết thực nhất đến cuộc sống của người lao động.
Luật sư Phạm Quang Xá cũng cho rằng, Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ xem xét giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho tất cả đối tượng từ tháng 3/2020 đến hết tháng 8/2020 để tạo điều kiện cho người nộp thuế có thể trang trải chi phí và ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, nên thực hiện ngay việc giãn nộp thuế thu nhập cá nhân cho tất cả đối tượng trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2020.