Đề xuất giải pháp phát triển hệ sinh thái giáo dục trực tuyến

GD&TĐ - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến - Mô hình, tổ chức và một số yếu tố đảm bảo chất lượng".

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, Hội khuyến học Việt Nam, cùng sự tham gia của hơn 100 giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành về đào tạo trực tuyến. Đại diện các cơ quan UNESCO, UNICEF; đại diện các trường Đại học Mở Terbuka Indonesia, Đại học Mở Philipines cũng tham gia hội thảo bằng hình thức trực tuyến.

Chương trình được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các đại biểu ở xa. Hội thảo diễn ra với hai phiên song song: Giáo dục trực tuyến đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; Giáo dục trực tuyến đối với giáo dục phổ thông và phiên thảo luận toàn thể.

Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Tại Việt Nam, giáo dục trực tuyến đã có từ nhiều năm nay với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực hiện dạy học trực tuyến nói chung, dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua nói riêng thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Hội thảo được tổ chức nhằm mong tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục thảo luận, đóng góp ý kiến về mô hình, cách thức tổ chức, các yếu tố đảm bảo chất lượng cho một hệ sinh thái giáo dục trực tuyến; định hướng những vấn đề còn tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển hệ sinh thái giáo dục trực tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chỉ rõ: Trong hoàn cảnh tác động của đại dịch Covid-19, với sự quyết tâm của các cấp, sự nỗ lực của từng nhà giáo và sự ủng hộ của người dân, ngành GD-ĐT đã có một cuộc ‘đổi mới’ chưa từng có về dạy học. Mọi cấp học, mọi địa bàn đã khẩn trương triển khai dạy học trực tuyến.

Trong hình thái dạy và học mới của dạy học trực tuyến, công nghệ đã góp phần vào nâng cao tính linh hoạt của việc học và đảm bảo duy trì hoạt động giáo dục, góp phần cho việc thực hiện kế hoạch năm học trong khung thời gian cho phép.

Tuy vậy, hoạt động dạy học trực tuyến vừa qua cũng đã cho thấy một số khiếm khuyết như: Giáo viên và học sinh, sinh viên chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang học tập trực tuyến, cả về phương pháp cũng như tư duy. Cả người học và người dạy còn thiếu các điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động dạy học trực tuyến.

Hệ thống quản lý chưa theo kịp sự phát triển, công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát chưa phù hợp với phương thức dạy học mới; nội dung dạy học chưa được thiết kế với phương thức truyền tải mới; quản lý tiến độ học tập chưa được thực hiện phù hợp, cách quản lý vẫn mang nặng tính chất của quản lý dạy học trực tiếp.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Hiện nay, đại dịch vẫn chưa được khắc phục, Việt Nam vẫn đang đối diện với nguy cơ tiếp tục giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực chuẩn bị cho những việc cần làm trong bối cảnh giáo dục thay đổi. Chúng ta đã bắt đầu có những hướng dẫn rõ hơn về dạy học và quản lý dạy học trực tuyến. Giáo viên và nhà trường đang tổng kết những kinh nghiệm có được cảu đợt giãn cách xã hội đầu tiên.

Việc Trường Đại học Mở Hà Nội và Viện khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo về hệ sinh thái giáo dục trực tuyến lần đầu tiên tại Việt Nam là một việc làm rất có ý nghĩa. Các kết quả nghiên cứu, các bài học thực tiễn sẽ được chia sẻ tại đây về các vấn đề lý luận, những vấn đề đã phát sinh cũng như các giải pháp trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua.

Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến ở Việt Nam, chuẩn bị cho bước chuyển của nền giáo dục sang một giai đoạn phát triển mới với những thay đổi lớn về sư phạm, phương pháp và cả nội dung, và đặc biệt quan trọng nhất là thay đổi ở bản thân người dạy và người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Chứng chỉ ielts là gì