Bangladesh: Giáo dục trực tuyến mùa dịch gặp nhiều khó khăn

Bangladesh: Giáo dục trực tuyến mùa dịch gặp nhiều khó khăn

Giới học thuật nhận định, đại dịch có thể ảnh hưởng lâu dài đến GD Bangladesh vì nhiều trường ĐH không thể bắt đầu các lớp trực tuyến trước tuần đầu tiên của tháng 7. Bangladesh là quốc gia không có tốc độ Internet nhanh, cũng như cơ sở hạ tầng có chất lượng để phục vụ các lớp học trực tuyến.

Chính phủ Bangladesh yêu cầu tất cả cơ sở GD dừng hoạt động vào ngày 16/3. Ký túc xá của trường cũng phải đóng cửa và tất cả SV được yêu cầu trở về nhà. Vào ngày 15/6, Bộ GD tiếp tục kéo dài việc đóng cửa trường học đến ngày 6/8.

Do quyết định này, SV không thể tiếp cận với GD trong một học kỳ. Thông tin từ Ủy ban Tài trợ của ĐH Bangladesh (UGC) cho thấy, đến tháng 6, chỉ có 7/46 trường ĐH công lập tại Bangladesh chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến.

Trong khi các trường ĐH tư thục hàng đầu nước này bắt đầu giảng dạy trực tuyến ngay sau khi đại dịch bùng phát vào tháng 3, nhiều tổ chức GD công lập không thể thực hiện phương pháp này trước tháng 7.

Tawhida Jahan - Trưởng khoa Rối loạn giao tiếp tại Trường ĐH Dhaka, cho biết, cần có sự điều chỉnh lớn đối với hệ thống GDĐH, nhằm điều hành các hoạt động học thuật trực tuyến một cách hiệu quả.

"Thực tế là Bangladesh chưa sẵn sàng cho các lớp học trực tuyến. Trong tình huống đại dịch bùng phát, chúng tôi không có bất kỳ sự thay thế nào cho GD trực tuyến", bà Jahan nói.

Theo bà Jahan, khoa Rối loạn giao tiếp chỉ có thể bắt đầu lớp học trực tuyến từ ngày 23/6, trong khi nhiều bộ phận khác không thể tiến hành trước tuần đầu tiên của tháng 7. Trường ĐH Dhaka cho biết đang thảo luận về việc cung cấp điện thoại thông minh, máy tính xách tay cũng như gói dữ liệu cho SV và giáo viên.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên tại trường ĐH công lập Bangladesh không quen với việc giảng dạy trực tuyến. Trong khi đó, độ phủ sóng Internet kém và phí kết nối mạng di động khá cao.

Afsan Chowdhury - Giáo sư tại Trường ĐH tư thục BRAC nhận định, nhiều SV tại các tổ chức GDĐH công lập có hoàn cảnh khó khăn. Những yếu tố này khiến các trường đưa ra quyết định muộn về việc giảng dạy trực tuyến.

"SV không thể hoàn thành các khóa học đúng hạn và gặp khó khăn để kiếm việc làm. Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng này đã tạo ra sự phân chia về kỹ thuật số trong nước. Những SV không thể tham gia lớp học trực tuyến sẽ cảm thấy thiếu thốn và bị ảnh hưởng tới tâm lý", ông Chowdhury nói thêm.

Ngày 25/6, UGC quyết định cho phép các trường chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, các kỳ thi và hoạt động trong phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục bị hoãn.

Các SV cho biết phải đối mặt với nhiều vấn đề khi truy cập lớp học trực tuyến do không có kết nối Internet tại nhà. Một số SV không có điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử để truy cập lớp học trực tuyến.

Dữ liệu từ Ủy ban Điều tiết viễn thông Bangladesh cho thấy, trong số 160 triệu dân, chỉ 100 triệu người có kết nối Internet. Trong đó, 4,84 triệu người có kết nối băng thông rộng và khoảng 95,16 triệu người sử dụng Internet qua điện thoại di động.

Theo kết quả từ cuộc khảo sát trên19.000 SV do UGC thực hiện hồi tháng 5, có 87% số người được hỏi sử dụng điện thoại thông minh để tham gia học trực tuyến. Tuy nhiên, UGC và Bộ GD Bangladesh chưa đưa ra kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ 13% SV không có điện thoại thông minh.

Goutam Roy - trợ lý giáo sư tại Viện Giáo dục và Nghiên cứu, Trường ĐH Rajshahi ở Tây Bắc Bangladesh, nhận định, nhiều SVĐH công lập đến từ các gia đình nghèo, chủ yếu từ vùng nông thôn. Trong khi đó, việc mua các gói Internet là vô cùng tốn kém.

"Các trường ĐH có thể nên xem xét tới điều kiện tài chính của SV, trước khi đưa ra quyết định về việc có nên bắt đầu lớp học trực tuyến hay không", ông Roy nhấn mạnh.

TheoUniversity World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ