Giáo dục trực tuyến mùa dịch: Nỗi đau đầu trên toàn thế giới

Giáo dục trực tuyến mùa dịch: Nỗi đau đầu trên toàn thế giới

Paula Leibowitz - một nhân viên GD tại Australia và là mẹ của ba đứa trẻ, chia sẻ về việc dạy các con học tại nhà: “Tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Đó không chỉ là việc học, mà còn là cường độ của sự tương tác. Một số ngày thực sự tốt và những ngày khác bạn phải bỏ cuộc trước 11 giờ sáng”.

Những lời này được cho là khá quen thuộc với những phụ huynh đang cố gắng vượt qua đại dịch, tiếp tục công việc của họ và thách thức nhất là bảo đảm con trẻ tiếp tục học trong khi trường tạm đóng cửa.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Italy - quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa trường học do Covid-19, khi phụ huynh và trẻ em cố gắng thích nghi với sự thay đổi của phương pháp GD.

“Mỗi ngày ở nhà, không tiếp xúc với giáo viên và các bạn, cô con gái 6 tuổi của tôi đã không còn hứng thú với việc học. Con bé khá nhút nhát và rất khó để có thể tương tác với cả lớp thông qua một màn hình, trong khi mọi người nói chuyện cùng một lúc”, Paola Anzalone - một nhân viên an ninh tại Agrigento nói.

Việc học tại nhà dự kiến kéo dài đến tháng 9 là nỗi kinh hoàng với cô Anzalone. “Không chỉ vì tôi là bà mẹ hai con với khối lượng công việc lớn, mà còn bởi tôi tin rằng, ở tuổi đó, trẻ em cần tiếp xúc với trường học và các bạn cùng lớp”, nữ phụ huynh nhấn mạnh.

Annalisa Distasi, sống tại Orvieto (Italy), đang cố gắng bảo đảm 3 con của mình học tốt, khi cô hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là giáo viên trung học.

“Tôi phải giảng dạy HS và hiện tại tôi giảng trực tiếp 6 lần/tuần, nhưng tôi cũng làm những công việc khác, như ghi lại video bài học, chuẩn bị bài tập về nhà. Những điều đó chiếm phần lớn thời gian của tôi. Tôi cảm thấy khối lượng công việc nhiều gấp đôi trước đây, khiến tôi làm việc đến tận khuya”, nữ giáo viên nói.

Cô Distasi nhấn mạnh, giáo viên cũng cần thích nghi một cách nhanh chóng.

Tại Bulgaria, tình trạng khẩn cấp được ban bố từ ngày 13/3, các cơ sở GD và doanh nghiệp phải đóng cửa. Mặc dù 1/2 giáo viên tại Bulgaria trên 50 tuổi và tỷ lệ người biết chữ thấp hơn mức trung bình của EU đưa ra, nhưng nhân viên GD tại nước này được cho là đã thích nghi tốt.

Giáo viên và HS tự tổ chức học trực tuyến tại bất cứ nơi nào có thể, chủ yếu sử dụng ứng dụng Viber và WhatsApp, cũng như các nhóm kín Facebook.

Bozhidara Ilieva, một giáo viên công nghệ thông tin tại Plovdiv (Bulgaria), đã bày tỏ sự vui mừng trước những tiến bộ nhanh chóng mà các đồng nghiệp của cô đạt được. Cô Ilieve chia sẻ, trong khi những giáo viên lớn tuổi được đào tạo về kỹ thuật số, nhiều người vẫn miễn cưỡng khi phải áp dụng các kỹ năng này.

Tuy nhiên, việc chuyển sang học trực tuyến không được liền mạch tại quốc gia này. Bộ trưởng GD Bulgaria thừa nhận, sau một tháng áp dụng phương pháp giảng dạy mới, 11% HS không được học trực tuyến và giáo viên phải làm việc qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp.

Sự khác biệt tài chính được cho là kéo theo sự chênh lệch về kỹ thuật số. Cô Arianna

Filippone - giáo viên tiểu học ở Palermo (Italy) cho biết: “Những người đến từ gia đình có điều kiện và được cung cấp đầy đủ thiết bị, chẳng hạn như máy tính bảng hoặc máy tính, là những người có lợi thế. Những người không đủ may mắn để có những thứ này rõ ràng là thiệt thòi hơn. Ngay cả ngày hôm nay, gần hai tháng sau khi trường đóng cửa, các nhà chức trách vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem có HS nào không có máy tính bảng hay kết nối Internet hay không”.

TheoThe Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.