Đề xuất giải pháp dạy và học tiếng Anh cho HS người Khmer

Đề xuất giải pháp dạy và học tiếng Anh cho HS người Khmer

Những khó khăn đặc trưng của học sinh người dân tộc Khmer (Sóc Trăng) trong học tiếng Anh:

Trong một nghiên cứu thực hiện vào tháng 2 năm 2010 của 23 giáo viên tiếng Anh người Việt và 7 giáo viên tiếng Anh người Khmer ở hai trường Dân Tộc Nội Trú tỉnh Sóc Trăng và THPT Nguyễn Khuyến, Vĩnh Châu, Sóc Trăng và sự tham gia của 144 học sinh (88 học sinh người Kinh và 56 học sinh người Khmer) của hai trường trên. Kết qủa được đánh giá như sau:

Hầu hết các giáo viên khẳng định rằng học sinh người Khmer có kết quả học tập thấp hơn so với bạn cùng lứa người Kinh. Kết qủa của bài kiểm tra cũng đã chứng minh. Trong số 88 học sinh người Kinh, thì có 40 học sinh ( tỉ lệ 46 %) đạt điểm từ 5 trở lên. Trong khi đó, chỉ có 16 học sinh người Khmer (chiếm tỉ lệ 28 %) đạt điểm từ 5 trở lên.

Đặt biệt là học sinh Khmer vấp phải hai khó khăn về ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Tuy cả hai ngôn ngữ Việt- Khmer đều thuộc dòng họ Môn-Khmer, có sự khác nhau về trật tự của từ.

Ví dụ như tạm dich sang tiếng Anh, tiếng Khmer nói “cat two”, trong khi tiếng Việt nói “ two cat” (Campbell, 2000, tr. 297 & Nguyen, 1987, trích trong Comrie 1987, tr. 777. Lam et al, 1998).

Trong số 37 học sinh Khmer được phỏng vấn, thì 31 em (tỉ lệ 83,7 %) cho biết nói tiếng Khmer ở nhà và gặp khó khăn trong việc hiểu tiếng Việt, do vậy học sinh Khmer gặp nhiều vấn đề trong việc học tiếng Anh khi thầy, cô giáo sử dụng tiếng Việt để giảng bài tiếng Anh cho các em. Trong khi đó 6 học sinh còn lại (tỉ lệ 16,3 %) cho biết ít khi gặp khó khăn khi thầy, cô giảng bài bằng tiếng Việt do các em nói tiếng Việt thường xuyên ở nhà.

Sự khác nhau về văn hóa, kinh tế, môi trường, xã hội là những khó khăn về mặt phi ngôn ngữ. Sách giáo khoa và các tài liệu khác thường viết bằng tiếng Việt và tập trung vào văn hóa, giáo dục, và lối sống … của người Kinh.

Người Khmer thường là nông dân sống ở những thôn sóc sâu xa, ít có điều kiện cho con cái học hành, ngay cả chữ viết tiếng Khmer. Do vậy, hầu hết người Khmer đều gặp khó khăn trong vấn đề chữ viết.

Về khía cạnh giao tiếp, người Khmer thường ít nói, đặt câu hỏi, và trầm lặng trước đám đông mặt dù họ biết vấn đề. Sự khác nhau về yếu tố văn hóa trên gây khó khăn rất nhiều cho học sinh Khmer, đặt biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa, trong việc học tiếng Việt lẫn tiếng Anh nếu như không có sự giúp đở của thầy, cô giáo.

Học sinh Khmer (ảnh: Internet)
Học sinh Khmer, ảnh mang tính minh họa (nguồn: Internet)


Nguyên nhân của vấn đề

Ngôn ngữ:

Về lĩnh vực học ngôn ngữ thứ hai, Lightbown and Spada (2006) cho rằng trẻ con bắt đầu đi học nói ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ sẽ học hiệu quả và tự tin hơn vì chúng có khả năng hiểu và nói tốt. Trường hợp học sinh người Khmer bắt đầu đi học, ít biết tiếng Việt ở nhà vì sử dụng tiếng Khmer để giao tiếp hàng ngày. Vì vậy những học sinh này thường gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu yêu cầu đề bài làm hoặc lời giải thích của thầy, cô trong lớp do giới hạn về mặt từ vựng.

Về lĩnh vực ngôn ngữ di sản (heritage language), Gass and Selinker (2008) cho rằng người học biết hai ngôn ngữ, một tiếng mẹ đẻ, hai ngôn ngữ sử dụng ở trường học, thường ngôn ngữ ở trường lấn át  ngôn ngữ mẹ đẻ. Cenoz (2000) cũng cho rằng mức độ lưu loát của ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai có ảnh hưởng đến việc học ngôn ngữ thứ ba. Đây là trường hợp của học sinh Khmer. Họ nói tiếng Khmer ở nhà cho đến khi 7 tuổi, sau đó đi học bắt đầu học tiếng Việt. Thường thì họ không biết viết chữ Khmer, lại hạn chế trong việc hiểu từ vựng của tiếng Việt khi học tiếng Anh. Kết quả là học sinh Khmer thường có kết quả học tập thấp hơn bạn cùng lứa người Kinh về các kỷ năng.

Do bị ảnh hưởng tiếng Việt, bản thân học sinh người Khmer cũng có nhiều sai sót trong việc học tiếng Anh do thói quen dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Ví vụ như I very like play with friend thay vì I like to play with friends very much;

Do ảnh hưởng của tiếng Việt khi nói thường thêm chữ “thì” tiếng Anh là “am”, nên học sinh thường thêm “am” trước các động từ trong tiếng Anh ví dụ như nói là “tôi thì uống cá phê” “I am drink coffee”;”Thầy tôi yêu thương học sinh” “My teachers are love students”, “Chúng tôi thì đi ăn” “we are go to eat”, hoặc “Chúng tôi thì rất muốn ăn cơm” “we are very want to eat some rice”; “Tôi thì chơi thể thao” “I am sport”

Phi ngôn ngữ

Cortazzi and Jin (1999) phân biệt ba loại thông tin văn hóa sử dụng trong sách giáo khoa và các tài liệu: tài liệu văn hóa nguồn ( “source culture materials”), tài liệu văn hóa mục tiêu (“target culture materials”), và tài liệu văn hóa quốc tế (“international culture materials”) (trích trong Mckay, 2002, tr. 88).

Về vấn đề này, không có mối liên hệ nào giữa sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông với văn hóa Khmer. Học sinh Khmer phải học tài liệu văn hóa sử dụng cho học sinh người Kinh, là tài liệu văn hóa nguồn cho học sinh người Kinh, không phải là tài liệu văn hóa nguồn cho học sinh Khmer. Vì vậy, sách giáo khoa nên lồng vào yếu tố văn hóa của người Khmer hoặc các dân tộc khác để học sinh Khmer dễ dàng liên tưởng đến nền văn hóa của họ khi học tiếng Anh.

Không có yếu tố văn hóa địa phương, lại phải học một ngôn ngữ thứ ba (tiếng Anh) thông qua ngôn ngữ thứ hai (tiếng Việt), học sinh Khmer gặp không ít khó khăn khi học tiếng Anh.

Điều kiện sống và môi trường ngôn ngữ cũng ảnh hưởng rất lớn đến người học. Học sinh Khmer chỉ nói tiếng Việt khi đi học ở trường, khi về nhà lại nói tiếng Khmer vì cha, mẹ và láng giềng đều là người Khmer và họ sống cùng nhau trong thôn, sóc, ít có điều kiện nói tiếng Việt với người Kinh. Hơn nữa, học sinh Khmer ít có điều kiện mua tài liệu học tiếng Anh (ngô ngữ thứ ba). Do vậy, những yếu tố về môi trường và điều kiên sống ảnh hưởng không ít đến việc học tiếng Anh của học sinh Khmer.

Giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho học sinh Khmer.

a) Giải pháp cho giáo viên người Việt

    + Giải pháp chung:

1. Tự làm quen với tiếng và văn hóa Khmer để có thể hiểu được giá trị, thái độ và hành vi của người Khmer rõ ràng hơn

2. Yêu cầu học sinh đọc tài liệu thêm dành cho học sinh Khmer cũng như các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt trước khi có lớp tiếng Anh.

3. Nhẹ nhàng và thân thiện với học sinh người Khmer vì họ thường nhút nhác và sợ thầy, cô giáo.

4. Sau khi cho bài tập mẫu, nên kiểm tra lại một lần nữa xem học sinh người Khmer có hiểu đề bài không?

5. Kiểm tra thường xuyên để biết được mức độ tiến bộ và có biện pháp giúp đở học sinh Khmer yếu.

   + Giải pháp cụ thể

Nghe hiểu/Đọc hiểu

1. Giải thích rõ yêu cầu đề bài về thể loại đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Khuyến khích học sinh đoán từ qua ngữ cảnh

2. Cho học sinh thực tập những bài tập ngắn về đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh.

3. Cung cấp cho học sinh Khmer thành ngữ, từ vựng, và kiến thức nền lien quan đến yếu tố văn hóa.

4. Yêu cầu học sinh Khmer giải thích rõ hiểu biết của họ về thành ngữ có liên quan đến yếu tố văn hóa.

5. Cho học sinh người Khmer bài kiểm tra mẫu và chỉ cho họ cách làm bài các loại bài tập khác nhau. Ví vụ như tìm câu chủ đề thường nằm ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

6. Cho học sinh đọc và làm các bài tập đọc hiểu khác nhau có trong sách giáo khoa.

7. Khuyến khích học sinh đọc và viết những chủ đề có lien quan đến văn hóa mà họ thích.

Nói

8. Cung cấp cho học sinh Khmer bài mẫu hơn là yêu cầu họ tư duy suy nghĩ ý tưởng để nó

9. Cung cấp cho học sinh Khmer kiến thức nền về những chủ đề mới

10. Khuyến khích họ nói theo cặp, nhóm trước khi yêu cầu họ trình bài cá nhân

11. Thỉnh thoảng gọi học sinh người Khmer để tạo điều kiện cho họ nói

12. Khuyến khích thái độ tích cực trong lớp đối với học sinh

Viết

12. Tổ chức học sinh Khmer làm việc theo cập, nhóm để họ suy nghĩ, và tìm ý trước khi viết

13. Yêu cầu học sinh giỏi hơn kèm  học sinh yếu hơn

14 Thỉnh thoảng cho học sinh yếu hơn làm trưởng nhóm

15. Tổ chức hoạt động để giúp học sinh Khmer nhận biết lỗi khi viết để từ đó họ học chính lỗi sai của mình.

16. Tổ chức hoạt động giúp học sinh Khmer viết từ và cụm từ cho sẳn thành câu

Ngữ Pháp

17. Tiếng Anh, Việt, Khmer có chung trật tự cấu thành câu: Chủ-động-vị. Tuy nhiên, tiếng Việt đôi khi lại có cấu trúc: Vị-Chủ-Động

18. Tiếng Anh, Việt, Khmer có cùng cấu trúc câu: Chủ+động+vị+trạng+ very much. Tuy nhiên, tiếng Việt cũng có cấu trúc: Chủ    + very like+ động, cấu trúc này học sinh thường mắc lỗi trong tiếng Anh.

19. Không có cấu trúc: Chủ+ be+ động ở tiếng Anh và tiếng Khmer, nhưng lại có ở tiếng Việt

20. Dạy cho học sinh Khmer ngữ, câu, đừng dạy những từ riêng lẽ.

Từ Vựng

21. Diễn tả bằng ngữ giải thích và cung cấp từ trong ngữ cảnh

22. Cung cấp cho học sinh Khmer rỏ ràng về từ loại và cách sử dụng chúng như thế nào trong ngữ cảnh thông qua ví dụ cụ thể

23. Chỉ cho học sinh Khmer sự khác nhau về hai hoặc ba giới từ theo sau động từ với ý nghĩa khác nhau.

b) Giải pháp cho học sinh Khmer

Hãy nhớ rằng, bạn thật sự là người học ngôn ngữ đầy thành công vì bạn đã có thể sữ dụng được cả hai ngôn ngữ; Tiếng Khmer và tiếng Việt. Bạn cũng đã biết được ý nghĩa của việc sữ dụng đa ngôn ngữ trong cuộc sống. Kỹ năng của hai ngôn ngữ này sẽ giúp cho bạn học tốt tiếng Anh.

Dưới đây là một số chiến lược giúp bạn học tiếng Anh.

1.    Hãy nghĩ đến tầm quan trọng của tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế. Chính tiếng Anh đã giúp cho bạn tiếp cận và học hỏi được các kiến thức trên thế giới, học hỏi được từ mọi người chung quanh thế giới (Ví dụ: Bạn có thể học qua mạng Internet, sách, tạp chí, báo, phim ảnh, truyền thanh, và truyền hình)

2.    Trước khi học một bài tiếng Anh ở lớp, bạn nên bỏ ra một ít thời gian để học Tài Liệu Bổ Sung Dành Cho Học Sinh Khmer và bài học trong sách giáo khoa.

3.    Trước khi học về một chủ đề mới, ngoài những Tài Liệu Bổ Sung, bạn nên tìm đọc thông tin bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh có liên quan đến chủ đề đó. Bạn có thể tìm đến thư viện của trường, hoặc hỏi bạn bè, gia đình và thầy cô.

4.    Cố gắng hiểu và làm tất cả các bài tập ở nhàtrước khi vào lớp. Nếu bạn không biết cách làm thì cứ hỏi bạn thân của bạn, bạn học, hoặc giáo viên của bạn.

5.    Trong lớp bạn phải luyện cách ghi chú thật nhanh gọn và dành nhiều thời gian lắng nghe thầy cô giảng bài. Vì làm như thế sẽ giúp cho bạn phân biệt câu đúng câu sai và học cách sữ dụng ngôn ngữ dễ dàng hơn.

6.    Ghi chép lại những từ, cụm từ, thành ngữ hay ý tưởng mà bạn không hiểu vào một cuốn tập hay tờ giấy nào đó rồi đem hỏi bạn bè, gia đình, hoặc thầy cô.

7.    Đừng ngại hỏi bất kỳ điều gì bạn không hiểu và cũng đừng nên mắc cở. Hãy nhớ rằng giáo viên luôn muốn bạn hiểu và biết sữ dụng những kiến thức mà họ đã dạy cho bạn.

8.    Đừng bao giờ ngại ngùn hay mắc cở khi trả lời sai hay phạm lỗi. Vì chính những lỗi lầm ấy là dấu hiệu của sự học tập và tiến bộ. Để ý những lỗi sai của bạn và kể cả của các bạn trong lớp và sao đó thì bạn sẽ học được những câu đúng hơn. Luôn cố gắng thử hay thực hành những gì mới mẻ.

9.    Sau khi làm xong một câu bài tập nào đó thì phải hỏi giáo viên để kiểm tra xem bạn có làm đúng theo yêu cầu không.

10.    Khi đọc bất kỳ một bài đọc nào đó thì bạn nên tập đoán nghĩa của từ hay cụm từ mới theo ngữ cảnh. Đừng bao giờ tra từ điển. Sau khi bạn đã không thể đoán được thì có thể tra từ điển sau. Một ví dụ đơn giản như trong câu: Obesity or fatness is very common in the United States of America. Bạn có thể không biết nghĩa của từ ‘obesity’ nhưng nhờ có chữ ‘or’ phía sau nên bạn có thể chắc rằng nó có nghĩa tương đương với chữ ‘fatness’.

11.    Hãy để ý cách học ngôn ngữ và cố gắng học từ xuất hiện trong các cụm từ hoặc trong câu thay vì chỉ học những từ rời rạc.

12.    Để ý cách sữ dụng từ ngữ tiếng Việt trong các môn học khác. Ví dụ như ngữ nghĩa và cách sử dụng của từ khó như lạm phát, cơ sở hạ tầng, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, v.v.

13.    Bạn nên có một cuốn tập riêng để dành ghi chép từ vựng. Hãy ghi chép lại từ vựng hay thành ngữ, ngữ nghĩa và và các ví dụ về cách sử dụng của nó băng cả tiếng Anh, tiếng Việt hoặc tiếng Khmer.

14.    Ở nhà, đặc biệt là sau khi vừa đi học về, cố gắng ôn lại hay làm lại những gì mà bạn đã học trong lớp.

15.    Trong một vài trường hợp đặc biệt, khi học tiếng Anh, bạn nên suy nghĩ theo nghĩa tiếng Khmer thay vì tiếng Việt vì một số câu trong tiếng Anh có thứ tự giống như tiếng Khmer. Ví dụ như: Tiếng Việt có câu: I very like football và tiếng Khmer có câu I like football very much.

Hy vọng rằng những giải pháp cơ bản trên nhằm phần nào giúp học sinh người Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện được chất lượng dạy và học tiếng Anh trên con đường hội nhập quốc tế góp phần đưa trình độ dân trí ở khu vực lên tầm cao mới.

Tài liệu tham khảo:

Campbell, L. G. (2000). Compendium of the world’s languages. Routledge, London.
Cenoz, J., & Jessner, U. (2000). English in Europe: The acquisition of a third language. Frankfurt Lodge: UK. Multilingual Matter Ltd.
Cao, X. H. (1998). Ngu phap: May van de ngu am, ngu phap, ngu nghia. Nha Xuat Ban Khoa Hoc Ha Noi.
Dinh, L. V. (1988). Van hoa Khmer trong qua trinh giao luu va phat trien o dong bang song Cuu Long. In P. V. Tran, Tim hieu von van hoa dan toc Khmer nam bo. Nha Xuat Ban Tong Hop Hau Giang, Vietnam.
Gass, M. S., & Selinker, L. (2008). Second language acquisition. 3 rd. U.S.A: Taylor & Francis.
IPA (2005). Retrieved April 6, 2009, from http://www.langsci.ucl.ac.uk/ipa/vowels.html
Jacob, J. M. (1990). Introduction to Cambodia. Oxford: Oxford University Press.
Lightbown, P. M., & Spada, N. (2006). How languages are learned. Oxford University Press.
Lam, X., Thach, X., & Sophin (1998). Ngu phap tieng Khmer. Ha Noi, Vietnam: Nha xuat ban Van Hoa Dan Toc.
Mckay, S. L. (2002). Teaching English as an international language: Rethinking goals and approaches. New York: Oxford University Press.
Nguyen, D, H. (1997). Vietnamese. In B. Comrie, The world’s major language. Oxford, NY: Oxford  University Press.
Thach, V., Hoang, T. (1988). Phong tuc le nghi cua nguoi Khmer dong bang song Cuu Long . In P. V. Tran, Tim hieu von van hoa dan toc Khmer nam bo. Nha Xuat Ban Tong Hop Hau Giang, Vietnam

  Thạc sĩ: Võ Văn Tài

(GV trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ