Đề xuất gắn chip lên thẻ căn cước công dân: Đánh giá cẩn trọng lợi ích cho người dân

GD&TĐ - Đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân (CCCD) thay vì mã vạch như hiện nay của Bộ Công an đang nhận được sự quan tâm của người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đánh giá thận trọng tác động đến lợi ích của người dân và làm rõ mục đích của việc gắn chip…

Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai làm thẻ CCCD cho nhân dân.
Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai làm thẻ CCCD cho nhân dân.

Làm rõ mục đích gắn chip

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đang đề xuất gắn chíp điện tử vào thẻ CCCD thay vì mã vạch như hiện nay. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc gắn chíp giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn. Thẻ CCCD cũng sẽ được tích hợp thêm dữ liệu của công dân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho hay bộ đang báo cáo đề xuất nêu trên với Chính phủ, nếu được phê duyệt sẽ xây dựng dự án khả thi và triển khai thực hiện. Hiện nay, thẻ CCCD đang sử dụng mã vạch, tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy không phát huy được lợi thế khi muốn tích hợp thêm thông tin và thực hiện Chính phủ điện tử. Thẻ CCCD gắn chip sẽ có nhiều ưu điểm do lượng thông tin lưu trữ lớn gấp nhiều lần so với mã vạch.

Liên quan đến đề xuất gắn chip lên thẻ CCCD trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 21/8, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh, cần phải làm thận trọng và kỹ lưỡng hơn. “Rõ ràng đây là một mong muốn của cơ quan công an trong việc để cho thẻ CCCD bảo đảm tích hợp các nội dung thiết yếu nhất đối với mỗi công dân. Vừa tốt cho người sở hữu CCCD vừa tốt cho công tác quản lý Nhà nước...”, ông Pha nói.

“Tuy nhiên, lo ngại có thể do thông tin chưa đầy đủ, nếu gắn chip liệu việc dịch chuyển hay công việc của công dân có liệu bị theo dõi hay không? Tất nhiên, làm ăn chân chính, nghiêm túc thì không sợ gì cả nhưng dẫu sao có người lo ngại đến việc lộ bí mật đời tư, liên quan đến quyền công dân. Bởi vậy, phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá tác động về việc gắn chip lên thẻ căn cước công dân…”, ông Pha phân tích thêm.

Nói về tờ trình của Bộ Công an, ông Pha nhấn mạnh: “Trong tờ trình của công an có nói tham khảo kinh nghiệm một số nước thì cũng nên cho cơ quan chức năng công luận biết tham khảo là nước nào? Và họ làm ra sao? Bộ Công an cần phải đánh giá tác động từ việc gắn chip lên thẻ CCCD, có ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân hay không, có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư cá nhân? Vì vậy, cần phải nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo, chặt chẽ…”.

Cần bảo đảm quyền lợi cho người dân

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết: “Thẻ CCCD mà gắn chip thì tôi cũng rất đắn đo, có phải ngoài những thuận lợi như đề xuất của Bộ Công an - tức là bảo đảm cho mỗi công dân giao dịch trên tất cả lĩnh vực với các cơ quan chính quyền hoặc là quan hệ dân sự được thuận lợi. Hay việc gắn chip phải chăng là có tính đến việc đi đâu, đến đâu là người công dân bị theo dõi giám sát… Bởi vậy, cần phải làm rõ mục đích nếu gắn chip trên thẻ CCCD…”.

Theo ông Hòa, thẻ CCCD hiện nay đã có mã vạch. “Mang thẻ CCCD theo người mà cơ quan công an biết được anh A hay anh B như thế nào? Ở đâu? Làm gì thì không nên. Chỉ khi thẻ CCCD sử dụng vào máy (thiết bị để kiểm tra thẻ - PV) mới hiệu quả thì lúc đó mới cần thiết. Ví dụ tôi ở Đồng Tháp tôi lên Sài Gòn mang theo CCCD có gắn chip. Khi tôi cần sử dụng đưa vào máy thì người ta biết tôi ở Sài Gòn thì được, còn nếu tôi mang trong người mà tôi không giao dịch dân sự, kinh tế… mà cơ quan công an biết tôi ở đâu làm gì, như thế nào thì không được, không cho phép…”, ĐBQH Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH khóa XIII ông Lê Như Tiến cho rằng, bất cứ một chính sách nào đưa ra cũng cần phải cân nhắc. “Đã có quy định của Nhà nước về quyền riêng tư, bảo đảm quyền cho công dân. Nếu CCCD gắn chip thì toàn bộ hoạt động của công dân là đều bị một cơ quan có thẩm quyền theo dõi. Tôi đề nghị Bộ Công an trước khi đưa ra một quy định gì đó cần cân nhắc, xem xét…”, ông Tiến kiến nghị.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc gắn chip lên thẻ CCCD sẽ đi kèm với nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, có thể sẽ liên quan đến hoạt động đời tư cá nhân. Luật sư Tú phân tích, gắn chip lên CCCD thì người dân đi bất kỳ đâu người ta đều xác minh được. Tuy nhiên, với hoạt động vi phạm pháp luật nên quản lý nhưng với tất cả 90 triệu công dân thì e rằng cần cân nhắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.