Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh: Gắn chip điện tử hộ chiếu lợi hay hại?

GD&TĐ - Ngày 12/6, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự thảo Luật gồm 6 Chương, 40 Điều với nhiều điểm mới, được đông đảo người dân quan tâm. Ý kiến của các ĐBQH cơ bản đều tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề xuất về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vẫn phức tạp, rắc rối trong điều luật. Cùng với đó, ĐBQH đề nghị cần làm rõ việc gắn chip điện tử với tất cả hộ chiếu hoặc không gắn sẽ lợi hay hại gì?

Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Tránh chồng chéo, phát sinh lạm quyền

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội), đề xuất về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vẫn phức tạp, rắc rối trong điều luật. Phương án 1 quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ra nước ngoài. Phương án 2 là mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tán thành phương án 1 nhưng đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, phương án này quy định quá cụ thể và trùng lặp đối với một cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, chính quyền và đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối trong điều luật. Phương án 2 chưa cụ thể hóa Điều 14 Hiến pháp vì quyền tự do đi lại trong nước và nước ngoài là quyền con người, quyền công dân cần phải quy định trong văn bản luật.

Không nên giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật. “Trường hợp Vũ nhôm có vài ba hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm. Phải chăng, từ quy định trùng lặp như phương án 1? Đề nghị Chính phủ gia công xây dựng phương án 1 cho tốt hơn, rõ ràng và minh bạch, tránh chồng chéo, dễ phát sinh lạm quyền”, bà Quốc Khánh bày tỏ quan điểm.

Cùng tán thành phương án 1, ĐBQH Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị phải điều chỉnh làm rõ hơn nhiều nội dung. Cụ thể, Điều 8, Điều 9 quy định về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, những quy định này chưa làm người đọc luật phân biệt rõ đối tượng được cấp từng loại hộ chiếu này như đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã phát biểu.

Mặt khác, các quy định đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ dự thảo luật chưa quy định rõ cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cho cá nhân ứng với từng loại hộ chiếu.

Trên thực tế các văn bản, quyết định cử người ra nước ngoài thường chỉ ghi tên, chức vụ, chứng minh thư hoặc căn cước công dân mà không ghi nơi làm việc và cơ sở dữ liệu về xuất, nhập cảnh và không có thông tin về chức vụ, nơi làm việc của người đề nghị như vậy chưa đáp ứng được quy định tại Khoản 7, Điều 2 của dự thảo luật đòi hỏi phải lưu thông tin về thân nhân của người được cấp.

Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ dự thảo cần bổ sung quy định tờ khai phải có xác nhận của cơ quan nơi cán bộ, công chức đang công tác.

Gắn chip điện tử hộ chiếu lợi hay hại?

Về quyền và nghĩa vụ công dân Điểm c, Khoản 1 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử theo quy định”. “Trong hồ sơ trình lần này, tôi để ý đọc nhưng không có nội dung nào giải thích rõ vì sao lại có quy định lựa chọn này. Nếu gắn chip điện tử với tất cả hộ chiếu hoặc không gắn chíp điện tử hết thì sao? Có lợi hay hại gì?”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn.

Cũng quan tâm đến việc gắn chip điện tử hộ chiếu, ĐBQH Ngô Thị Minh nhìn nhận, đối với hộ chiếu thường và hộ chiếu có gắn chip điện tử, việc quy định thu nhận ảnh, vân tay của người đề nghị, dự thảo luật cũng mới chỉ quy định cho người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử. Vậy với người đề nghị cấp hộ chiếu không gắn chip điện tử thì có phải nộp ảnh hoặc thu nhận ảnh hay không?

Dự thảo luật cũng chưa tường minh vấn đề này. “Tôi đề nghị bỏ Điểm c, Khoản 1, Điều 5 vì điều này có quy định người đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử. Theo tôi, quy định này là thừa. Vì trẻ em nói chung trong đó có người dưới 14 tuổi có quyền được cấp hộ chiếu và trẻ em hiện nay sinh ra đã có số định danh cá nhân. Vì vậy, việc cấp hộ chiếu cho công dân đều được gắn chip điện tử theo lộ trình quy định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của luật này”, đại biểu Ngô Thị Minh kiến nghị.

Nhấn mạnh việc xem xét tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chip điện tử gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi trong việc khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ