Đề xuất đưa robot thăm dò tàu cổ bị đắm trên biển Quảng Ngãi

GD&TĐ - Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đề xuất sử dụng thợ lặn kết hợp với robot và nhiều thiết bị hiện đại khác để thăm dò, khảo sát tàu cổ đắm trên biển.

Biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra, phát hiện cổ vật tàu đắm trên tàu cá ngư dân. Ảnh Nguyễn Tánh.
Biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra, phát hiện cổ vật tàu đắm trên tàu cá ngư dân. Ảnh Nguyễn Tánh.

Ngày 8/6, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết, vừa hoàn thành phương án khảo sát, thăm dò tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải huyện Bình Sơn, trong đó đề xuất sử dụng thợ lặn chuyên nghiệp kết hợp với robot lặn và nhiều thiết bị hiện đại khác để triển khai.

Theo Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, việc đề xuất phương án trên là nhằm tìm kiếm tàu cổ chở cổ vật nghi bị đắm dưới đáy biển thuộc địa phận xã Bình Hải. Trước đó, vào ngày 17/5, lực lượng biên phòng phát hiện và thu giữ 40 chiếc dĩa, tô cổ từ một tàu cá đăng ký tỉnh Bình Định khai thác được.

Qua lấy lời khai, chủ tàu khai số gốm sứ này được trục vớt dưới độ sâu 60m, ở khu vực biển thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Số cổ vật được các chuyên gia khảo cổ xác định có nguồn gốc từ các lò gốm vùng Chương Châu (Nam Trung Hoa), niên đại ở thế kỷ XVI - XVII thuộc thời Minh.

Theo các chuyên gia khảo cổ học và lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi nhận định, đây là di sản tàu cổ bị đắm do bão tố nhấn chìm ở thời điểm đó. Toàn bộ xác tàu và hàng hóa bị vùi dưới đáy biển nên có khả năng còn giữ được nguyên vẹn. Do đó, cần phải triển khai công tác khảo sát, thăm dò tại khu vực này để xác định tọa độ vị trí, hiện trạng, hình dáng, kích thước của tàu cổ đắm. Từ đó, xây dựng phương án khai quật khảo cổ học con tàu.

Số cổ vật được các chuyên gia khảo cổ xác định có niên đại ở thế kỷ XVI - XVII thuộc thời Minh, Trung Quốc.
Số cổ vật được các chuyên gia khảo cổ xác định có niên đại ở thế kỷ XVI - XVII thuộc thời Minh, Trung Quốc.

Theo phương án đề xuất của Sở VH-TH&DL, vị trí thăm dò, khảo sát cách bờ khoảng 6km thuộc vùng biển xã Bình Hải, trên diện tích 1.000m2. Công tác này sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày. Quá trình khảo sát, sẽ sử dụng một sà lan nổi cùng với máy thổi, hút bùn cát, máy quay phim và chụp hình dưới nước, máy lặn, đồ lặn.

Khoảng 8 - 10 thợ lặn chuyên nghiệp, có kinh nghiệm sẽ kết hợp với rô bốt lặn, dùng đèn soi chiếu dưới nước, quay camera bề mặt hiện trạng khu vực đáy biển cần khảo sát. Dựa trên hình ảnh cung cấp, cán bộ kỹ thuật ra quyết định và hướng dẫn thợ lặn bước tiếp theo. Kết quả khảo sát là cơ sở để thành lập hội đồng đánh giá và xây dựng phương án khai quật, thu hồi toàn bộ cổ vật trên tàu.

Trước đó, vào ngày 17/5, lực lượng tuần tra Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra tàu cá BĐ-10546TS do ông Nguyễn Văn Triển, 42 tuổi, trú ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định làm thuyền trưởng, phát hiện trên tàu này có số hiện vật nêu trên.

Nhận định tàu cá BĐ-10546TS khai thác cổ vật trái phép, lực lượng tuần tra đã tạm giữ để phối hợp với cơ quan chức năng xác minh điều tra, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ