Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 2)

GD&TĐ - Chuyên gia Trần Đức Cảnh nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ), cố vấn Hội đồng tuyển sinh Đại học Havard cho rằng, tách hệ cao đẳng ra khỏi đại học là bất hợp lý;

Thực hành nghề của sinh viên trường Dược. Ảnh minh họa
Thực hành nghề của sinh viên trường Dược. Ảnh minh họa

Đồng thời cần đưa về Bộ GD&ĐT quản lý là đúng với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Bài 2: Chuyên gia giáo dục Nguyễn Đức Cảnh - Bất cập khi tách hệ cao đẳng khỏi đại học

Đúng tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW

Theo chuyên gia Trần Đức Cảnh - nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ), cố vấn Hội đồng tuyển sinh Đại học Havard: Đưa cao đẳng trở lại hệ đại học là đúng với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đó là, “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”.

Chuyên gia Trần Đức Cảnh phân tích: Ở một số nước, họ đều thiết kế chương trình cao đẳng là một phần của hệ giáo dục đại học. Mục đích là cấu trúc cấp học và xây dựng chương trình học hiệu quả, tạo tính mở và liên thông cần thiết trong giáo dục và đào tạo.

Bản chất của cao đẳng là một phần của giáo dục đại học, không thể thiếu. Cao đẳng ở Mỹ và các nước đào tạo 2 - 3 năm, cấu trúc chương trình phổ biến là 2+2 hoặc 2+3. Sau hai năm đầu, người học được cấp bằng cao đẳng và có thể đi làm. Nếu tiếp tục học lên đại học, người học sẽ được trường đại học công nhận 2 hoặc 1 năm chương trình đã học.

Như vậy, chương trình cao đẳng 2 - 3 năm ở các nước như hệ cao đẳng của Việt Nam trước đây có thể liên thông trực tiếp lên đại học khi chương trình 2 năm hay 3 năm (tín chỉ/môn) của cao đẳng được cấu trúc và công nhận tương đương với bậc đại học khi liên thông.

Khi trường đã có kiểm định chất lượng và công nhận thì việc liên thông giữa các đại học và cao đẳng phải xem là việc đương nhiên. Còn trường nhận sinh viên hay không còn tùy thuộc vào tiêu chí và chuẩn của mỗi trường.

Nhưng theo cấu trúc chương trình cao đẳng và đại học hiện nay thì rất khó hay không thể liên thông. Vì cao đẳng hướng theo hệ nghề, không tương đương với trình độ 2 hay 1 năm đại học nói trên.

Chưa kể đến, tính liên thông cao đẳng – đại học ở Việt Nam còn yếu, thậm chí không kết nối được với nhau, thành ra điểm nghẽn cho cả hệ thống đào tạo đại học. Do đó, việc đưa hệ cao đẳng về lại hệ đại học sẽ đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả hơn so với hiện nay.

Nếu cấu trúc liên thông hợp lý thì chương trình cao đẳng có thể là nguồn sinh viên cho bậc đại học sau khi đã chứng minh hai năm học đầu ở các trường địa phương, giảm chi phí và áp lực kinh tế cho gia đình. Đồng thời giảm lượng sinh viên dồn về thành phố lớn, không cần thiết ít nhất 2 năm đầu.

Chuyên gia Trần Đức Cảnh - nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ), cố vấn Hội đồng tuyển sinh Đại học Havard.
Chuyên gia Trần Đức Cảnh - nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ), cố vấn Hội đồng tuyển sinh Đại học Havard. 

Nếu là nghề thì không thể liên thông lên cao đẳng hay đại học

Ông Cảnh cho rằng, chương trình cao đẳng rất thực tiễn và hiệu quả kinh tế không riêng ở Việt Nam mà cả thế giới từ trước đến nay. Hệ đào tạo này cung cấp nguồn lực có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cấp dưới bậc đại học. Riêng với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu đào tạo cấp học này rất lớn, cũng như khả năng nâng cấp trình độ lâu dài của người học.

“Hệ đào tạo nghề cần được khuyến khích, nhưng không phù hợp với chương trình cao đẳng thuộc hệ đại học như đã đề cập. Do đó, quan điểm tôi là nên đưa cao đẳng, bậc 5 của Khung trình độ quốc gia về hệ đại học (higher education)” – ông Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Trần Đức Cảnh, ở các nước họ phân biệt giáo dục đại học và đào tạo nghề rất rõ. Nếu là nghề thì không thể liên thông lên cao đẳng hay đại học. Chương trình đạo tạo nghề, chuyên môn thì có nhiều cấp khác nhau, có thể từ 3 tháng đến 2 năm, tùy theo nhu cầu công việc và của người học.

Còn việc phân luồng sau trung học cơ sở là hoàn toàn hợp lý. Quan trọng là nó đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề song song với học văn hóa trong cùng chương trình, hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực cho từng cấp học.

Điều này đảm bảo rằng, học sinh tốt nghiệp trung học nghề/kỹ thuật vẫn đạt trình độ văn hóa để có thể tiếp tục học lên cao đẳng hay đại học theo hướng giáo dục mở, chứ không bị “mắc kẹt” ở hệ nghề. Như vậy mới tạo động lực cho việc theo học hệ trung học nghề/chuyên môn, và hướng phát triển lâu dài của người học.

Ông Trần Đức Cảnh cũng cho rằng, với tốc độ và tác động chuyển đổi của công nghệ thông tin, số hóa và tự động hóa... của thế giới hiện nay, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh chóng, ngành nghề, công việc... cũng như vậy. Do đó, giáo dục và đào tạo cần linh hoạt, chủ động thay đổi cho phù hợp mới mong tồn tại và phát triển.

“Muốn vậy, chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ hệ giáo dục đại học và nghề trong chính sách, cấu trúc chương trình và chuẩn chất lượng, để không bị lúng túng trong liên thông cũng như hội nhập quốc tế” - chuyên gia Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.

Theo TS Lê Đông Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Trước kia, chúng ta chia rất rõ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Khi thống nhất đưa hết trung cấp và cao đẳng cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì cả trung cấp và cao đẳng phải theo chuẩn của bộ này. Ở đây có thể thấy sự nhầm lẫn về khái niệm. Cao đẳng vốn là trình độ được đào tạo gần với đại học, với hàm lượng lý thuyết khá nhiều, hướng tới đào tạo người học có trình độ nhận thức cao thì nay lại phải theo khung đào tạo nghề là bất hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ