Đề xuất áp niên hạn sử dụng nhà chung cư, bất động sản mặt đất hưởng lợi?

GD&TĐ - Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi, sau đây gọi là Dự thảo) là đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn. Ảnh minh họa
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn. Ảnh minh họa

Mặc dù vẫn đang được đưa ra thảo luận để lấy ý kiến, nhưng đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng với tình huống hết thời hạn họ sẽ bị “màn trời chiếu đất”, mất quyền sở hữu tài sản.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi, sau đây gọi là Dự thảo) so với luật hiện hành bãi bỏ 7 điều; giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều, bổ sung mới 34 điều.

Một trong những điểm mới là đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Cụ thể, Dự thảo quy định, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận.

Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

Luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, các chủ sở hữu không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.

Đây cũng là nguyên nhân khiến việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM vẫn còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn.

Từ những nguyên do trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư.

Việc đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn là nội dung không mới và đã được đưa ra để lấy ý kiến. Các chuyên gia cũng bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến vấn đề này nhưng chủ yếu xoay quanh 2 luồng ý kiến.

Thứ nhất đó là giữ nguyên quy định như hiện tại đối với chung cư. Ý kiến còn lại đồng tình với việc quy định thời hạn sử dụng đối với loại hình nhà ở này.

Chuyển hướng tìm nhà mặt đất

Mới mua và dự định sẽ sinh sống lâu dài tại căn hộ thuộc chung cư NT Home (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau thời gian dài tích góp tiền, nhưng gia đình chị Hoàng Thị Hiền (31 tuổi, nhân viên kinh doanh) đang tính đến phương án bán căn hộ và vay mượn thêm tiền để “xuống đất” sau khi nắm được thông tin về đề xuất quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Chị Hiền không phủ nhận những tiện ích khi sinh sống tại chung cư, nhưng cũng vướng phải nhiều băn khoăn nếu quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư được thông qua.

Chị Hiền cho rằng, khi mua căn hộ, gia đình chị cũng đóng phí và thuế như người mua đất nền, chưa kể còn đóng tiền bảo trì căn hộ 2% giá trị căn hộ nhưng lại có nguy cơ không còn tài sản trong trường hợp chung cư không đảm bảo chất lượng khi hết hạn.

“Căn nhà là tài sản lớn đối với gia đình tôi cũng như nhiều người khác. Nó không chỉ để ở mà còn để tặng lại cho con cháu sau này. Nhưng nếu quyền sở hữu có kỳ hạn, chúng tôi thà bán căn hộ rồi mua đất nền để được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài. Không ai đảm bảo được sau 50 năm hay 70 năm tòa chung cư vẫn sẽ đảm bảo chất lượng để được tiếp tục gia hạn cả”, chị Hiền cho biết.

Bên cạnh đó, chị Hiền cũng cho rằng, việc áp thời hạn sử dụng cho các căn chung cư khiến nhiều chủ sở hữu luôn có tâm lý đây không phải là tài sản của bản thân mình mà có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, chị Hiền chia sẻ thêm, việc áp thời hạn sử dụng cho các căn chung cư sẽ khiến giá trị căn hộ theo từng năm sẽ bị khấu hao và khi muốn bán lại, giá cũng sẽ giảm nhiều so với khi mua vào.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Lưu Thị Quỳnh An (cư dân chung cư Hateco Apolo) lo ngại rằng khi chung cư có thời hạn sử dụng, ngoài việc thanh khoản lại tài sản này sẽ khó khăn hơn (mất giá, bị ép giá) còn là vấn đề sử dụng căn chung cư làm tài sản đảm bảo trong trường hợp muốn vay tiền.

“Việc thế chấp căn hộ đó để vay tiền mua nhà cũng sẽ bị ảnh hưởng khi ngân hàng có khả năng sẽ không cho vay nếu thấy căn hộ sắp hết hạn. Với những gia đình có điều kiện, đó không phải là vấn đề. Nhưng với những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, đây lại là một nỗi lo rất lớn”, chị An chia sẻ.

Sắp sửa chào đón thêm thành viên mới, gia đình anh Nguyễn Văn Long (Khoái Châu, Hưng Yên) đang tìm hiểu và dự định mua một căn hộ chung cư trên địa bàn quận Long Biên. Tuy nhiên, khi biết được thông tin đề xuất quy định thời hạn sử dụng đối với chung cư, anh Long cho biết gia đình đang phải tính toán đến phương án mua nhà đất.

Theo anh Long, với thu nhập hiện tại của anh thì phải mất thêm nhiều năm nữa mới có thể trả hết số nợ vay để mua chung cư. Lúc đó, tính cả lãi, số tiền anh bỏ ra để có thể sở hữu được căn chung cư sẽ tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, quyền sử dụng căn hộ cũng bị giảm đi nhiều năm dẫn đến giá trị căn hộ cũng sẽ giảm đi.

“Tâm lý chung của người Việt Nam mình thì việc cố gắng để có thể sở hữu một căn nhà không chỉ là nơi để ở mà là một loại tài sản để dành. Nếu chung cư có thời hạn 50 - 70 năm thì có khác nào đi thuê nhà giá cao.

Đặt trường hợp hết hạn, nếu vị trí đó vẫn được xây sửa mới lại thì chúng tôi phải bỏ thêm tiền để mua thời hạn sử dụng. Trong trường hợp vị trí đó phải phá dỡ thì khi hết thời hạn thì chúng tôi sẽ sống ở đâu”, anh Long chia sẻ.

Anh Long cho rằng, tâm lý chung của người Việt Nam là muốn sở hữu lâu dài tài sản nhà đất. Tuy nhiên, dân số gia tăng đã dẫn đến áp lực về đất đai, nhà ở, từ đó căn hộ chung cư trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân.

Cho nên, dù xây dựng nhà trên đất nền hay căn hộ chung cư, cũng đều là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dân, cần được pháp luật bảo vệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.